Chế độ nghỉ phép theo Bộ luật lao động
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động 2012 về nguyên tắc giao kết hợp đồng thì:
“1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.”
Tuy nhiên, Điều 116 Bộ luật lao động lại quy định:
“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Như vậy, mặc dù được tự do giao kết hợp đồng theo Điều 17 nhưng giao kết giữa bạn và người sử dụng lao động không được phép vi phạm các quy định khác của pháp luật về lao động. Ở đây, Điều 116 quy định cho phép người lao động có thể nghỉ phép trong những trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3. Vì vậy, việc công ty bạn quy định sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mới được nghỉ phép là trái với luật định. Do đó, hợp đồng lao động ký kết giữa bạn và công ty được coi là vô hiệu vì thuộc khoản 2 Điều 50 Bộ luật lao động 2012:
“2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.”
Để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn nên gửi đơn khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Chánh thanh tra Sở sẽ ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần sẽ được giải quyết tại Điều 10 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động:
“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật về lao động…”
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất