Hoài Nam

Chế độ chờ đủ tuổi nghỉ hưu cho cán bộ mới nhất

Chế độ nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu dành cho cán bộ là việc cán bộ sẽ được nghỉ chờ đến khi đủ tuổi sẽ nghỉ hưu khi đáp ứng được các điều kiện luật định. Khi nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu thì cán bộ vẫn được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định pháp luật.

1. Tư vấn quy định về nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu

Trên thực tế, có nhiều trường hợp cán bộ làm việc lâu năm tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị - xã hội nhưng nay không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, không sắp xếp được vị trí công tác thì sẽ được hưởng chế độ nghỉ chờ đến tuổi nghỉ hưu. Vậy cán bộ nghỉ chờ đến tuổi nghỉ hưu được hưởng những chế độ gì? Điều kiện để cán bộ nghỉ chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định pháp luật hiện hành?

2. Chế độ nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu dành cho cán bộ

Câu hỏi:

Tôi là giám đốc của một đơn vị sự nghiệp công lập. Tôi công tác được 33 năm. Năm nay tôi 53 tuổi, đến 1/8/2021 tôi hết thời gian bổ nhiệm. Nay trung tâm sát nhập 3 đơn vị nên tôi không đủ tuổi bổ nhiệm lại và thừa cán bộ lãnh đạo. Nguyện vọng của tôi là muốn nghỉ hưu trước tuổi thì có được hưởng theo chế độ nghỉ chờ theo nghị định 26/2015/NĐ-CP không?

Trả lời:

Cảm ơn bác đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bác yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định của pháp luật về cán bộ

Căn cứ quy định tại tại khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức về khái niệm cán bộ như sau:

“Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Theo quy định trên, cán bộ là người được bầu cử, phê chuẩn, bộ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách.

Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 26/2015/NĐ-CP về đối tượng áp dụng của Nghị đinh này như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này được áp dụng đối với cán bộ quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức mà không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm).

2. Cán bộ thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này.”

Theo quy định trên, Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách được áp dụng với đối tượng là cá bộ nhưng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bộ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Những trường hợp cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế thì sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Thứ hai, về chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 26/2015/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ được nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu như sau:

“Điều 5. Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp và không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác và được thực hiện các chế độ, chính sách như sau:

1. Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).

2. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm và cơ quan nơi cán bộ công tác trước khi nghỉ chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng tại Khoản 1 Điều này thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các chế độ khác như chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

4. Trường hợp cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm thuộc diện khi đang công tác được sử dụng thường xuyên xe ô tô con phục vụ công tác, nếu tham gia các cuộc họp, hội nghị hoặc đi khám chữa bệnh thì báo cơ quan nơi công tác để bố trí xe đưa đón. Trường hợp cơ quan nơi công tác không bố trí được xe đưa đón thì chủ động phương tiện đi lại và được thanh toán theo quy định hiện hành.

5. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm thuộc diện nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu không tính vào biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.”

Theo quy định trên, để được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu và hưởng các chế độ, chính sách thì cán bộ cần đáp ứng được 03 điều điều kiện, bao gồm:

(i) Không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định (cụ thể năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu của trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ);

(ii) Không bố trí được vị trí công tác phù hợp và

(iii) Không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi điểm a khoản 13 điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 về khái niệm viên chức quản lý như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.”

Theo quy định trên, người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập thì xác định là viên chức quản lý. Bác là giám đốc một đơn vị sự nghiệp công lập nên được xác định là viên chức quản lý, vì vậy sẽ không được áp dụng chế độ nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 26/2015/NĐ-CP vì nghị định này áp dụng cho đối tượng là cán bộ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo