Hoàng Tuấn Anh

Chế độ nâng lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên trong nghề giáo

Hỏi: Chào luật sư, Tôi là 1 giáo viên cấp 3. Từ 9/2001 đến 4/2013 tôi dạy ở 1 trường dân lập. Trong 12 năm giảng dạy ở đó tôi tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ từ hệ số lương 1,86 cho đến 3,0 (3 năm tăng 1 hệ số lương).

 

Tháng 5/2013 đến nay tôi chuyển về trường công lập theo hợp đồng của Sở giáo dục đào tạo (trong hợp đồng ghi hệ số lương 3.0) Theo thông tư số 08/2013/TT-BNV thì đến 9/2014 tôi được nâng hệ số lương 3,66 và theo thông tư số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH thì từ 6/1/2016 tôi sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng đến nay tôi vẫn hưởng lương theo hệ số 3,0 và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên. Tôi xin hỏi : Căn cứ vào hợp đồng đã nêu và thời gian đóng BHXH, tôi có được hưởng chế độ nâng bậc lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên không?Tôi xin cảm ơn luật sư. Kính mong Luật Minh Gia sớm trả lời giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Trước tiên, trong 12 năm bạn làm giáo viên tại trường dân lập, tức là bạn không phải viên chức nhà nước. Điều 2 Luật viên chức 2010 quy định :” Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Cùng với đó, Điều 2 Nghị định 16/2015/NĐ-CP định nghĩa đơn vị sự nghiệp công lập “do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”.

 

Từ hai điều khoản trên có thể thấy trường dân lập do tư nhân thành lập và sở hữu, không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên bạn làm việc tại đó theo hợp đồng lao động cũng không phải là viên chức, công chức hay cán bộ. Trong khi đó, Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định đối tượng áp dụng thông tư nằm tại Điều 1 nhìn chung là cán bộ; công chức; viên chức; người lao động ký hợp đồng với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, hội có tính chất đặc thù. Tương tự đối tượng áp dụng tại thông tư số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH là nhà giáo trong biên tại các cơ sở giáo dục công lập. Như vậy, trong khoảng thời gian 12 năm làm việc tại trường dân lập, bạn sẽ không được hưởng chế độ của viên chức, công chức hay cán bộ mà sẽ là chế độ của người lao động với người tuyển dụng lao động. 

 

Về nâng bậc lương thường xuyên: từ tháng 5/2013 đến nay bạn chuyển về trường công lập làm giáo viên trung học. Nơi làm việc hiện tại của bạn là trường công lập, tức đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ vào Điều 1 Thông tư 08/2013/TT-BNV về đối tượng áp dụng, bạn có thể là:

 

- Công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ Tòa án, ngành Kiểm sát) hoặc;

 

- Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

 

Sau đó, căn cứ vào Điều 2 thông tư nói trên về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, việc nâng lương sẽ thực hiện như sau:

 

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương. Nói cách khác, nếu chức danh bạn đang giữ yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên, việc nâng bậc lương thường xuyên của bạn sẽ thực hiện theo chế độ này. 

 

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương. Nói cách khác, nếu chức danh bạn đang giữ yêu cầu trình độ từ trung cấp trở xuống, việc nâng bậc lương thường xuyên của bạn sẽ thực hiện theo chế độ này.

 

Thêm vào đó, bạn phải nằm trong trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điều 2 Khoản 1 Điểm b và không rơi vào các trường hợp bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên tại Điều 2 Khoản 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV

 

Ngoài ra, Khoản 2 Điểm b Thông tư này còn quy định tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với viên chức và người lao động như sau nếu có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

 

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

 

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức. 

 

Đáp ứng đủ các điều kiện trên, bạn sẽ được nâng bậc lương thường xuyên đúng hạn. Do từ tháng 05/2013 bạn mới làm việc tại trường công lập nên khoảng thời gian để tính nâng bậc lương thường xuyên sẽ bắt đầu tính từ thời điểm này, cụ thể vào ngày nào sẽ phụ thuộc vào ngày quyết định bổ nhiệm bạn có hiệu lực.


Nếu bạn là viên chức, căn cứ theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, phần bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, bảng 3 thuộc Nghị định này và chế độ nâng bậc lương thường xuyên đã nêu trên, bạn đang là viên chức loại A1, bậc 03. Như vậy, hệ số lương tiếp theo sau 3.0 sẽ là 3.33.

 

Về việc hưởng phụ cấp thâm niên, Điều 1 Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐXHTB hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, đồng thời sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐXHTB, quy định như sau: “Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”. Theo quy định này, bạn thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên.

 

Điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên được quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP như sau: Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Bạn đã công tác, giảng dạy từ năm 2001, đến nay đã vượt quá 5 năm nên đáp ứng được điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên.

 

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được quy định tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐXHTB, Điều 2 và 1 Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐXHTB, Điều 1 như sau:

 

“1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

 

a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;

 

b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);

 

c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kim tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có)”

 

Tuy nhiên, khoảng thời gian tính phụ cấp thâm niên không bao gồm thời gian sau đây:

 

a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;

 

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

 

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử”

 

Như vậy, với trường hợp của bạn, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên tổng cộng là 15 năm, bao gồm khoảng thời gian 12 năm công tác giảng dạy tại cơ sở dân lập và 3 năm công tác giảng dạy tại cơ sở công lập với điều kiện không bao gồm các khoảng thời gian đã nêu ngay ở trên. 

 

Mức phụ cấp thâm niên được quy định tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐXHTB, Điều 2 Khoản 3 như sau: “Nhà giáo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 1 Điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%”.

 

Cụ thể, cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng là:
Mức tiền phụ cấp thâm niên =  Hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng  x  Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ  x  Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chế độ nâng lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên trong nghề giáo . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo