Triệu Lan Thảo

Chế độ Bảo hiểm xã hôi và trợ cấp thất nghiệp khi bị sa thải

Người lao động bị công ty sa thải có được chốt sổ bảo hiểm xã hội và hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không? Trường hợp người lao động không nhận trợ cấp thất nghiệp thì khi đi làm ở công ty khác có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không? Luật Minh Gia tư vấn trường hợp này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm

Biện pháp xử lý kỷ luật sa thải là chế tài nặng nề nhất của công ty áp dụng với những người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Vì vậy, khi bị sa thải, người lao động thường sẽ không được hưởng các chế độ ưu đãi từ phía người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với các chế độ, chính sách từ phía cơ quan bảo hiểm thì hiện nay đa số người lao động vẫn chưa nắm rõ. Do đó, để đảm bảo không bỏ lỡ quyền lợi của mình, người lao động cần tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn. Nếu bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

2. Tư vấn về chế độ BHXH và trợ cấp thất nghiệp khi NLĐ bị sa thải

Hỏi: Sổ bảo hiểm đã đóng nối được 4 năm.Em nghỉ việc do bị công ty sa thải và đã lấy sổ về rồi. Vậy cho e hỏi quyết đinh sa thải có lấy được tiền bảo hiểm xã hội và thất nghiệp không ạ. Nếu không e đóng nối vào công ty khác và lúc nghỉ công ty đó có quyết định thôi việc thì có lấy được tiền bảo hiểm cả công ty này không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về bảo hiểm thất nghiệp.

Chỉ có hai trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đó là: “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng”. (căn cứ theo Khoản 1 Điều 49 Luật việc làm 2013).

Do bạn đã đóng bảo hiểm được 4 năm và bị sa thải. Như vậy, trong vòng 03 tháng kể từ ngày bạn bị sa thải, bạn nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Và trong vòng 15 ngày kể từ ngày bạn nộp hồ sơ mà bạn chưa tìm được việc làm thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Điều 49 Luật việc làm 2013).

Hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn gồm có:

- Đơn đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bản chính hoặc bản sao công chứng quyết định sa thải.

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, về bảo hiểm xã hội một lần.

Điều kiện để được hưởng chế độ bảo hiểm một lần được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:

“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế”.

Như vậy, Việc bạn bị sa thải bạn vẫn được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì: Bạn phải đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và trong vòng 1 năm thôi việc bạn không tiếp tục đóng tiếp bảo hiểm nữa.

Nếu bạn chưa hưởng bảo hiểm trước đó mà tiếp tục đóng bảo hiểm tại công ty mới thì khi thôi việc tại công ty mới mà vẫn đủ điều kiện theo Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì bạn vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm 1 lần cho tất cả thời gian tham gia bảo hiểm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169