LS Xuân Thuận

Chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế công ty

Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế nhiều doanh nghiệp tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, tuy nhiên nhiều trường hợp khi chấm dứt HĐLĐ người lao động không được giải quyết các chế độ, quyền lợi theo quy định pháp luật. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động cần nắm được các quy định pháp luật hoặc hỏi ý kiến tư vấn của Luật sư.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động

Khi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kinh tế thì phải chi trả cho người lao động chế độ trợ cấp mất việc làm. Mức hưởng trợ cấp mất việc làm căn cứ vào thời gian người lao động làm việc và mức lương người lao động được hưởng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chi trả khoản trợ cấp này cho người lao động, do đó nếu bạn gặp phải trường hợp này và chưa biết phương án nào để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được tư vấn cụ thể về các vấn đề:

- Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ được hưởng trợ cấp mất việc làm;

- Mức hưởng, cách tính hưởng trợ cấp mất việc làm;

- Giải quyết tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm tình huống chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Chế độ người lao động được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ vì lý do kinh tế?

Câu hỏi: Chị em đang là nhân viên kỹ thuật của một công ty A, hợp đồng lao động ký 1 năm có hiệu lực đến ngày 05 tháng 8 năm 2016, gần đây công ty mở ra quá nhiều chi nhánh dẫn đến thất thoát tài chính nên ban giám độc muốn cắt giảm nhân sự và chị ấy nằm trong danh sách đó. Giám đốc công ty chưa đưa ra quyết định cho thôi việc mà nhắn tin khuyên nhân viên nên gửi đơn xin nghỉ việc và không có hỗ trợ gì thêm, họ nói nếu công ty cho thôi việc thì họ chỉ báo trước 30 ngày là được nhưng họ không muốn làm vậy

Mong luật sư tư vấn giúp những thắc mắc sau:

-  Công ty làm vậy có hợp pháp không? nếu không hợp pháp thì họ sẽ phải bồi thường như thế nào cho người lao động? 

- Nếu chị ấy không đồng ý nghỉ theo quyết định của công ty mà muốn hết hợp đồng 1 năm có được không?

- Công ty vẫn kiên quyết bắt nv nghỉ thì nv có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Hiện tại công ty có 20 chi nhánh khắp cả nước, vừa rồi có đóng cửa 2 chi nhánh nhưng những chi nhánh còn lại vẫn hoạt động bình thường.

Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau:

“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”

Theo đó, trường hợp công ty cho người lao động nghỉ việc vì lý do không thể bố trí sắp xếp được công việc cho người lao động khi công ty thay đổi cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế thì công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Cách tính trợ cấp mất việc làm được quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể là:

 “1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm”.

Như vậy, nếu chị của bạn chưa làm việc đủ 12 tháng cho công ty thì không được chi trả trợ cấp mất việc làm và đúng là nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị bạn vì lý do thay đổi cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế thì không phải trả bất kỳ một khoản trợ cấp nào (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng lao động). Tuy nhiên, để có thể chấm dứt hợp đồng với chị bạn và không phải bồi thường do chấm dứt trước thời hạn trong trường hợp này, công ty phải chứng minh được mình chấm dứt hợp đồng thực sự là vì lý do cả công ty thay đổi cơ cấu hoặc vì tình hình tài chính của công ty không cho phép và công ty không thể bố trí, sắp xếp được công việc cho chị bạn.

Nếu công ty không chứng minh được vấn đề này, việc công ty cho chị bạn nghỉ việc có thể là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và chị bạn có thể yêu cầu công ty bồi thường ít nhất 4 tháng tiền lương. Cụ thể về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đã được chúng tôi tư vấn qua bài viết “Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và vấn đề bồi thường?”, bạn có thể tham khảo để biết thêm về quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồn lao động trái pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế công ty. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo