Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chấm dứt hợp đồng lao động do ốm đau có trái luật không?

Luật sư tư vấn về chấm dứt hợp đồng lao đồng. Người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động do bị ốm đau trong trường hợp này có phải là chấm dứt trái luật không? Điều kiện để được nghỉ là như thế nào? Quy định của pháp luật về vấn đề này được thể hiện dưới đây:

Câu hỏi: Công ty em có ký hợp đồng 12 tháng, yêu cầu nhân viên cam kết làm việc tối thiểu 2 năm ( mỗi năm ký lại hợp đồng 12 tháng mới) và giữ bằng tốt nghiệp đại học chính thức. Nếu chấm dứt hợp đồng trước 2 năm phải bồi thường tiền. Nay em vừa khám sức khoẻ thì phát hiện bệnh viêm amidan đã chuyển sang bệnh viêm xoang cấp và bác sỹ yêu cầu mổ amidan gấp vì nó quá to. Công việc là dạy học suốt 4 giờ/ 1 ngày, môi trường làm việc ồn ào nên phải nói nhiều và nói rất to vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến amidan. Bệnh amidan của em không cho phép em có thể duy trì hợp đồng này nữa vì bác sỹ bảo để lâu nguy hiểm.

Công ty Luật vui lòng cho em hỏi trường hợp bệnh em vậy thì thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào là hợp pháp và em có phải bồi thường khoản cam kết không? Em cám ơn công ty nhiều ạ.

 

Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

 

I.  Về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng:

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) thì:

 

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục

 

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa bạn và công ty có thời hạn 12 tháng nên đây là HĐLĐ xác định thời hạn.

 

Bạn muốn  đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do sức khỏe nên theo quy  định tại điểm g khoản 1 điều 37 BLLĐ nêu trên bạn phải chứng minh được mình bị ốm đau đã điều trị 90 ngày liên tục mà khả năng lao động chưa được phục hồi.

 

Nếu chứng minh được điều này, bạn được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với công ty. Tuy nhiên, việc  đơn phương chấm dứt HĐLĐ chỉ đúng luật khi bạn thực hiện nghĩa vụ báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 BLLĐ:

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

 

II. Hệ quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

 

1. Vấn đề bồi thường tiền cam kết:

 

Theo quy định tại Điều 20 BLLĐ thì những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động

 

Như vậy, việc công ty giữ bản chính Bằng tốt nghiệp đại học và yêu cầu bạn phải thực hiện biện pháp đảm bảo cho việc thực hiện HĐLĐ với số tiền 11,330,000 đồng là trái quy định của pháp luật. Do đó, bạn không phải bồi thường số tiền này cho công ty.

 

2. Quyền lợi người lao động được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật

 

Theo quy định của BLLĐ, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp lý liên quan thì khi chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

 

+ Được nhận sổ lao động. Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định.

 

+ Được trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng phụ cấp lương (nếu có). Đối với các trường hợp có tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thì tổng thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc được tính bằng tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

 

+ Được thanh toán các quyền lợi doanh nghiệp còn nợ và các quyền lợi vật chất khác quy định tại thoả ước lao động tập thể.

 

III. Trong trường hợp không muốn chấm dứt HĐLĐ

 

Trong trường hợp không muốn chấn dứt HĐLĐ với công ty, bạn có thể thỏa thuận với công ty tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định tại Điều 32 BLLĐ.

 

Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

 

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

 

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

 

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận

 

Điều 33 BLLĐ quy địnhTrong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác

 

Như vậy, việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.

 

Trân trọng.

P. Tư vấn luật - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo