Căn cứ xác định hành vi cố ý gây thương tích
Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi Luật sư, Em có trường hợp này muốn xin hỏi ý kiến của Luật sư, nhờ Luật sư hỗ trợ ạ. Gia đình tôi có tham gia bảo hiểm con người tại một đơn vị Bảo hiểm X. Trong thời gian tham gia bảo hiểm, không may trong một lần xích mích, ông chú tôi đã bị một người đàn ông sử dụng xe ô tô lùi tông vào gây thương tích, do vết thương quá nặng nên chú tôi đã tử vong sau đó. Cụ thể vào tối hôm đó, cả nhóm chú tôi có đi giao lưu với nhau, trong quá trình nói chuyện chú tôi và người đàn ông kia nảy sinh mâu thuẫn và cãi vã, chú tôi có ý định đánh người kia nhưng đã được mọi người can ngăn. Sau đó người đàn ông bỏ lên xe đi khỏi đám tụ tập, chú tôi có chạy xe theo ô tô và ném đá vào xe, lúc đó người đàn ông kia cho xe chạy lùi và tông vào chú tôi, sau đó chú tôi tử vong. Gia đình chú tôi sau đó đã lên Cty bảo hiểm để giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho chú tôi. sau thời gian xem xét Cty Bảo hiểm X đã ra văn bản từ chối gia đình vì lý do chú tôi đã có hành động đánh nhau vào tối hôm xảy ra vụ việc, cụ thể Cty Bảo hiểm đã vin vào điểm loại trừ: "Các hành động đánh nhau của người được bảo hiểm, trừ khi chứng minh được hành động đánh nhau đó chỉ với mục đích tự vệ.” (…)". Gia đình chú tôi rất hoang mang vì không hiểu các quy định này, theo như gia đình tìm hiểu thì hành động nêu trên của chú tôi chưa thể xem là đánh nhau được, vì cả hai chưa xảy ra xô xát, chưa tác động trực tiếp vào nhau thì ko thể xem là đánh nhau. Vì vậy, gia đình rất mong quý luật sư tư vấn và cho gia đình biết các cơ sở để có căn cứ khiếu nại, đòi quyền lợi bảo hiểm từ phía Cty bảo hiểm. Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi,về vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chú bạn dự định có hành vi đánh nhau, tức gây thương tích cho người kia. Sau đây là các căn cứ pháp lý của tội cố ý gây thương tích:
Về phía người phạm tội
Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v... Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết.
Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.
Về phía nạn nhân
Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm. Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 lấy tỷ lệ thương tật của nạn nhân làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và định khung hình phạt đối với người phạm tội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, thì người bị thương tích hoặc bị tổn hại đén sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp được liệt kê thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ để xác định tỉ lệ thương tật là kết luận của Hội đồng giám định y khoa, trong trường hợp ở nơi nào không tổ chức được Hội đồng giám định y khoa thì căn cứ vào Bảng tiêu chuẩn thương tật quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y tế - Bộ lao động, thương binh và xã hội.
Trong trường hợp của chú bạn, theo điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm: "Các hành động đánh nhau của người được bảo hiểm, trừ khi chứng minh được hành động đánh nhau đó chỉ với mục đích tự vệ”, nếu có bằng chứng chứng minh chú bạn không tham gia đánh nhau, chú bạn không có hành vi tác động đến cơ thể của người khác, cũng không làm người đó bị thương, thì việc công ty bảo hiểm cho rằng chú bạn tham gia đánh nhau là không có căn cứ. Gia đình bạn có thể khởi kiện công ty bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đơn khởi kiện gồm những nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
– Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
Trân trọng,
Phòng Luật sư tư vấn về Hình sự - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất