Cầm cố ôtô giúp bạn nhưng không có giấy tờ xử lý thế nào?
Câu hỏi yêu cầu tư vấn: Chào luật sư. Tôi mong được luật sư giải quyết thắc mắc như sau:
Một người bạn của vợ tôi có vài lần đến nhà tôi vay tiền , tôi có cho vay không lấy lãi và bạn vợ tôi trả đủ trong thời gian ngắn. Một hôm anh bạn lại đặt vấn đề vay nhưng tôi không có tiền nên tôi ra tiệm cầm đồ cạnh nhà tôi hỏi vay cho anh ấy nhưng không có đồ cắm họ không cho vay. thấy vậy hôm sau anh ấy đem chiếc xe oto cũ tới nhà tôi và nhờ tôi sang căm lấy 50 triêu để đem về, vài ngày sau anh ấy lại đem chiếc xe thứ 2 tới rồi lại nhờ tôi đem tới tiêm cắm lấy 70 triệu tiếp tục như thế lần thứ 3 anh ấy nhờ tôi cắm cho 30 triệu.cả 3 chiếc xe này đều không có giấy tờ gốc nhưng tiệm cầm đồ họ nhận mà cũng không bảo cho tôi biết họ chỉ đưa một giấy vay tiền ký sẵn rồi đưa cho tôi đem về .tôi đã đưa tờ giấy đó cho anh bạn viết số tiền vay cả 3 lần vào rồi ký xác nhận mục ngươi vay tiền .trong giấy không ghi cắm xe oto, tôi chưa kịp đưa giấy đó cho tiêm cầm đồ thì khoảng 5 ngày sau bạn của vợ tôi bị bắt với lý do đi lừa đảo xe của một số người và công an đã yêu cầu tôi dẫn ra tiệm cầm đồ để tịch thu 3 chiếc xe đó vì anh bạn nói dối là xe của người nhà nên tôi mơi giúp .xin hỏi luật sư tôi có bị vi phạm pháp luật không, giờ bạn tôi bị bắt nên không có khả năng trả nợ , số tiền đã cầm cố 3 chiếc xe trên thì như thế nào,và chủ tiệm cầm đồ có bị vi phạm gì không thưa luật sư .xin cám ơn luật sư
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi trả lời tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Xem xét trách nhiệm hành vi của bạn:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì trước đó bạn không hề biết 3 chiếc ô tô kia là tài sản do phạm tội mà có, nên hành vi của bạn không thể bị cho là phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 Bộ luật hình sự 1999). Mặc dù bạn là người ra tiệm cầm đồ để tiến hành giao dịch nhưng người ký tên vào giấy vay tiền ở mục người vay tiền là người bạn của bạn – tạm gọi là A, chứ không phải bạn.
Như vậy người cầm cố (đứng tên trong hợp đồng cầm cố) vẫn là A, người nhận cầm cố là chủ tiệm cầm đồ. Giao dịch này không liên quan gì đến bạn. Cho nên bạn sẽ không bị xử phạt hành chính về hành vi của mình. Điều quan trọng là bạn cần chứng minh mình không hề biết trước những chiếc ô tô đó là tài sản do phạm tội để không bị truy tố hình sự.
Đối với hành vi của chủ tiệm cầm đồ, theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh mà không có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền;
c) Cho mượn, cho thuê, mua, bán giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;
đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;
e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;
g) Bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền;
h) Hoạt động kinh doanh vũ trường, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino nhưng không có bảo vệ là nhân viên của công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định;
i) Bán hoặc cho thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho những đối tượng không có giấy phép sử dụng loại thiết bị trên của cơ quan có thẩm quyền”.
Ô tô là loại tài sản phải có giấy tờ sở hữu – giấy đăng ký xe, nhưng chủ tiệm cầm đồ lại nhận cầm cố 3 ô tô mà không xe nào có giấy đăng ký. Chủ tiệm cầm đồ đã vi phạm Điểm d điều luật đã dẫn trên nên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu.
Nếu chủ tiệm cầm đồ biết 3 chiếc ô tô là tài sản do lừa đảo nhưng vẫn nhận cầm cố thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật;
b) Cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có”.
Về khoản tiền cầm đồ
Giấy vay nợ mà mà chủ tiệm đưa cho bạn, sau đó bạn đưa cho A ký, như vậy đây là hợp đồng cầm cố được ký kết giữa chủ tiệm với A chứ không liên quan gì đến bạn cả (không có chữ ký của bạn). Trong cầm cố, khi không trả được tiền, chủ tiệm cầm đồ sẽ lấy tài sản. Nhưng trong trường hợp này, A bị bắt và không thể trả tiền, 3 chiếc ô tô bị tịch thu (do là tài sản phạm tội) thì chủ tiệm cầm đồ là người chịu rủi ro. Còn bạn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến khoản nợ.
Như vậy, những việc bạn đã làm là không vi phạm pháp luật và bạn không phải chịu trách nhiệm gì đối với khoản tiền cầm cố. Còn với những hành vi của chủ tiệm cầm đồ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Trân trọng
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất