Trần Phương Hà

Cách tính tổng thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội

Trên thực tế, đa phần người lao động đều có thời gian đóng BHXH, BHTN không liên tục vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, rất nhiều người lao động băn khoăn về cách tính tổng thời gian tham gia BHXH, BHTN khi có thời gian đóng không liên tục.

Câu hỏi

Tôi có tham gia BHXH, BHTN từ 1/2020 - 10/2021 tại công ty A. Và từ 1/2022 - 7/2022 tôi tham gia BHXH, BHTN tại công ty B. Như vậy, khi nghỉ việc tại công ty B vào 8/2022 tôi có được hưởng BHTN không (vì tôi có khoảng thời gian 2 tháng là T11,12/2021 chưa đóng BH) xin luật sư giải đáp? 

Ngoài ra, tôi tham gia BHXH ở tỉnh H, hiện giờ muốn chuyển công tác lên Hà Nội thì tôi có thể nộp hồ sơ xin hưởng BHTN tại Hà Nội không? Mong nhận được sự tư vấn của VP luật sư. Xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời: 

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Tính tổng thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)

Theo thông tin bạn cung cấp, thời gian bạn tham gia BHTN như sau:

- Tại công ty A: Từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021 (01 năm 10 tháng)

- Tại công ty B: Từ tháng 01/2022 đến tháng 07/2022 (07 tháng)

Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 hướng dẫn cách tính thời gian đóng BHTN như sau: 

“1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

Theo quy định này, nếu trước đây bạn chưa từng hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng BHTN để làm căn cứ cho lần hưởng này là: 02 năm 05 tháng. (tổng thời gian đóng BHTN ở hai công ty A và B). 

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp bạn cần phải đáp ứng các điều kiện như sau: 

- Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định pháp luật

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ (đối với hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng). 

Người lao động chỉ cần đảm bảo tổng thời gian đóng BHTN như trên mà không phụ thuộc vào việc đóng liên tục hay không liên tục. 

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. 

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 

2. Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bạn tham gia BHTN ở tỉnh H, hiện nay, bạn có nhu cầu chuyển công tác đến Hà Nội thì bạn hoàn toàn có quyền nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. 

Bởi lẽ, tại Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định về việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không bắt buộc người lao động phải nộp hồ sơ tại nơi thường trú hay nơi tạm trú. 

Do đó, bạn có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở  tại trung tâm dịch vụ việc làm ở bất cứ địa phương nào mà bạn thấy thuận tiện nhất. Vì, trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169