LS Thanh Hương

Cách tính thời gian nâng bậc lương thường xuyên 2024

Luật sư tư vấn về thời gian được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên và việc ra quyết định nâng bậc lương thường xuyên của công ty có đúng quy định pháp luật hiện hành hay không và các quy định liên quan đến cách tính thời gian xét nâng lương thường xuyên như sau:

1. Luật sư tư vấn về xét nâng lương thường xuyên

- Công chức, viên chức công tác thuộc cơ quan Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong quá trình làm việc, công tác thường sẽ phải học lên để đảm bảo được mức lương tốt nhất cũng như có những vị trí cao hơn trong đơn vị, cơ quan của mình. Vậy để được nâng bậc, nâng ngạch đối với công chức, viên chức thì cần những điều kiện gì để được nâng đúng hạn và có thể là được nâng trước hạn.

- Nếu bạn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến vấn đề này, bạn cần tham khảo các quy định pháp luật về luật lao động hoặc ý kiến của luật sư có chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về pháp luật.

2. Thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên được tính như thế nào?

Câu hỏi:

Tôi làm việc theo chế độ hợp đồng (trong biên chế của cơ quan chờ thi tuyển công chức) tại Văn phòng cấp ủy từ tháng 3/9/2013 đến 9/2017 (có thời gian tham gia BHXH bắt buộc 4 năm liên tục, chưa hưởng 1 lần), trong thời gian làm việc hưởng 85% lương của hệ số 2,34. Ngày 31/3/2015, tôi nhận bằng thạc sỹ. Tháng 8/2017, tôi trúng tuyển công chức và được cơ quan ra quyết định tuyển dụng và xếp lương bậc 2/9, hệ số 2,67 (xếp lương theo bằng thạc sỹ) kể từ ngày 01/8/2017, phù hợp với nghề nghiệp, không phải tập sự. Thời gian nâng lương lần sau kể từ ngày 01/8/2017.

Xin hỏi, vậy thời gian tham gia BHXH bắt buộc (đã trừ đi thời gian 12 tháng tập sự) có được tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi tuyển dụng công chức và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp, cụ thể như sau:

1. Thời gian 3 năm (tính từ thời gian bắt đầu làm việc tháng 9/2013 đến 9/2017, trừ đi 12 tháng miễn tập sự) có được tính vào thời gian nâng lương lần sau không?

2. Thời gian 17 tháng (từ thời gian có bằng thạc sỹ đến thời gian có quyết định tuyển dụng công chức là 2 năm 5 tháng, từ tháng 3/2015 – 9/2017, trừ đi 12 tháng tập sự) có được tính vào thời gian nâng lương lần sau không?

3. Thời gian nâng lương lần sau tính từ ngày 01/8/2017 (ngày có thông báo kết quả trúng tuyển công chức) vậy có phù hợp không? hay Thời gian nâng lương lần sau tính từ tháng 3/2016 (sau thời gian 01 năm nhận bằng thạc sỹ tháng 3/2015) có phù hợp không? Trong khi chờ sự phúc đáp của quý công ty, tôi xin chân thành cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

- Quy định về chế độ nâng lương thường xuyên

Căn cứ tại Điểm b, c của Khoản 1, Điều 2 – Thông tư 08/2013/TT-BNV có quy định về chế độ nâng bậc lương thường xuyên như sau:

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng.

Theo quy định trên thì thời gian được cấp có thẩm quyền cử bạn đi tập sự vẫn được tính vào thời gian nâng bậc lương thường xuyên, tuy nhiên bạn được miễn thực tập nên sẽ không xét đến trường hợp này.

- Quy định về cách tính thời gian xét nâng lương thường xuyên

Thời gian bắt đầu tính nâng bậc lương thường xuyên của bạn được tính bắt đầu từ khi bạn trúng tuyển công chức, đồng nghĩa với việc quãng thời gian trước khi trúng tuyển công chức sẽ không được tính vào thời gian xét nâng lương của bạn. Cụ thể: Thời gian 3 năm (tính từ thời gian bắt đầu làm việc tháng 9/2013 đến 9/2017, trừ đi 12 tháng miễn tập sự) và thời gian 17 tháng (từ thời gian có bằng thạc sỹ đến thời gian có quyết định tuyển dụng công chức là 2 năm 5 tháng, từ tháng 3/2015 – 9/2017, trừ đi 12 tháng tập sự) không được tính vào thời gian nâng lương lần sau.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn trúng tuyển công chức và được cơ quan ra quyết định tuyển dụng và xếp lương bậc 2/9, hệ số 2,67  kể từ ngày 01/8/2017. Do vậy, thời gian nâng lương lần sau tính từ ngày 01/8/2017 - ngày có thông báo kết quả trúng tuyển công chức – là phù hợp. Việc bạn lấy bằng thạc sỹ không phải là căn cứ thời gian để tính thời gian nâng lương, vì xét nâng lương thường xuyên chỉ tính từ thời điểm bạn trúng tuyển công chức.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169