Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1999, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

tinh-tiet-tang-nang-ly-luan-va-thuc-tien-jpg-21052014115715-U1.jpg

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

1. Khái niệm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1999, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, luật quy định các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ cần thiết để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt. Do đó, việc nghiên cứu vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận-thực tiễn và pháp lý trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết vụ án hình sự, đồng thời thể hiện rõ nội dung phương trâm “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục” trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, cũng như bảo đảm thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa và hình phạt đối với người phạm tội.

Trong quá trình quyết định hình phạt đối với người phạm tội, việc nhận thức thống nhất về vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để xem xét, cân nhắc và áp dụng chính xác các tình tiết này trong thực tiễn là nhiệm vụ rất quan trọng của các Tòa án ở nước ta hiện nay. Do đó, trước khi đi vào phân tích vai trò của các tình tiết này trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, chúng ta cần phải đưa ra định nghĩa của khái niệm “tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự” là gì. Hiện nay, trong pháp luật hình sự thực định (Bộ luật hình sự năm 1999) nhà làm luật nước ta không ghi nhận định nghĩa pháp lý của khái niệm này, đồng thời trong khoa học luật hình sự Việt Nam cũng còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh nó, mà cụ thể là:

- “Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm tăng lên so với trường hợp bình thường và do đó được coi là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội đó”[1];

- “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có ảnh hưởng tới mức độ nguy hiểm của một tội phạm trong các trường hợp cụ thể khác nhau và có ý nghĩa khi quyết định hình phạt vì chúng… làm tăng lên mức hình phạt cần áp dụng với tội phạm đã thực hiện trong giới hạn khung hình phạt mà luật quy định với tội phạm đó”[2];

- “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết trong một vụ án cụ thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu một hình phạt nghiêm khắc hơn trong một khung hình phạt”[3];

- “Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm cho một hành vi phạm tội hoặc người phạm tội giảm tăng lên mức độ nguy hiểm cho xã hội để từ đó cần áp dụng hình phạt nặng hơn trong phạm vi một khung hình phạt đã được xác định”[4];

- “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên trong phạm vi một khung hình phạt của một tội phạm cụ thể”[5];

- “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong Bộ luật hình sự phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo giáo dục của người phạm tội. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt, làm tăng hình phạt trong giới hạn một khung hình phạt”[6]…

Tổng hợp những quan điểm đã nêu, đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự liên quan đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, theo quan điểm của chúng tôi khái niệm này có thể được hiểu như sau: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết được quy định trong Bộ luật hình sự với tính chất là tình tiết tăng nặng chung và là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn trong phạm vi một khung hình phạt nếu trong vụ án hình sự có tình tiết này.

2. Các đặc điểm của tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Xuất phát từ khái niệm đã nêu trên và phân tích các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 có liên quan đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự & thực tiễn áp dụng chúng, chúng ta có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản dưới đây của tình tiết này.

- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhất thiết phải được nhà làm luật ghi nhận chỉ trong pháp luật hình sự thực định (mà ở nước ta là trong Bộ luật hình sự năm 1999), chứ không thể trong các văn bản pháp lý nào khác hoặc không thể do Tòa án tự xem xét để cân nhắc (như tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự).

- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự xuất hiện (có mặt) trong một vụ án cụ thể, đối với người phạm tội cụ thể và chỉ làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong vụ án đó theo hướng nghiêm khắc hơn và chỉ trong phạm vi một cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm ấy.

- Trường hợp tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được luật quy định với tính chất là yếu tố định tội đối với một tội phạm tương ứng cụ thể, có nghĩa tình tiết này làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, thì trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án nhất thiết không thể xem xét nó với tính chất là tình tiết tăng nặng chung được quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ví dụ: Tình tiết tăng nặng “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” là yếu tố định tội được quy định tại các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281);  tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 303)… Bộ luật hình sự năm 1999. Do đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án không được xem xét nó (tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48) là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung nữa.

- Trường hợp tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết được luật quy định với tính chất là yếu tố định khung hình phạt đối với một tội phạm tương ứng cụ thể, có nghĩa tình tiết này làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi & là căn cứ cho phép Tòa án tăng mức hình phạt đối với người phạm tội chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn, thì trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án nhất thiết không thể xem xét nó với tính chất là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung (quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999).

Ví dụ: Các tình tiết tăng nặng định khung: “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, “tái phạm nguy hiểm” trong tội cướp tài sản (quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 133) hoặc “phạm tội nhiều lần” trong tội buôn lậu (quy định tại điểm k khoản 2 Điều 153)… Tương tự, khi quyết định hình phạt, Tòa án cũng không được xem xét các tình tiết này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 nữa.

- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mang tính chất ổn định về số lượng và nội dung. Mặc dù vậy, nếu trong thực tiễn đời sống xuất hiện những tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm theo hướng nghiêm khắc hơn thì nó sẽ được nhà làm luật bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị-xã hội và ngược lại – loại bỏ khỏi Bộ luật hình sự những tình tiết nào mà việc áp dụng chúng không còn phù hợp với giai đoạn tương ứng đó.

Ví dụ: Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tình tiết “lợi dụng chức vụ cao để phạm tội”, chỉ đến Quốc hội khóa IX (kỳ họp thứ 11) ngày 10/5/1997, tình tiết này mới được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm c khoản 1 Điều 39) và đến Bộ luật hình sự năm 1999 tình tiết này lại không được quy định là tình tiết tăng nặng nữa mà thay vào đó là tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” (điểm c khoản 1 Điều 48). Do đó, nếu chưa được bổ sung vào Bộ luật hình sự, thì các Tòa án nhất thiết không được tùy tiện bổ sung vào những tình tiết mà Bộ luật hình sự không quy định để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, điều này ngược lại đối với việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì Tòa án có thể coi những tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (được quy định trong các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)[7] hoặc những tình tiết khác, nhưng phải nói rõ lý do và tất nhiên nó chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp phạm tội cụ thể, với người phạm tội cụ thể với vụ án cụ thể mà Tòa án đang xem xét.

- Khi áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội, Tòa án “phải làm sáng tỏ ý thức chủ quan của người phạm tội để xét trường hợp này họ có phải thấy trước hoặc có thể thấy trước được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không, thì mới được áp dụng tình tiết tăng nặng đó đối với họ”[8]. Trường hợp có căn cứ chứng minh rằng họ không thấy được trước hoặc không thể thấy được trước thì dù tình tiết đó có xảy ra người phạm tội cũng không phải chịu trách nhiệm đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đó.

3. Danh mục các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999, chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: 1) Phạm tội có tổ chức; 2) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; 3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; 4) Phạm tội có tính chất côn đồ; 5) Phạm tội vì động cơ đê hèn; 6) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; 7) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; 8) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; 9) Xâm phạm tài sản của Nhà nước; 10) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; 11) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; 12) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 13) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội; 14) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

Như vậy, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 bao gồm 14 (mười bốn) tình tiết, sắp xếp theo thứ tự từ a đến o trong khoản 1. Việc sắp xếp thứ tự các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự  không phải theo tính chất quan trọng, tính chất nghiêm trọng ít hay nhiều của chúng mà căn cứ vào sự khác nhau về chất (nội dung) giữa các tình tiết đó với nhau trong hệ thống danh mục các tình tiết. Mặc dù vậy, dựa vào đặc điểm chung và nội dung của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có thể chia các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật này thành ba nhóm như sau:

1) Nhóm thứ nhất là các tình tiết thuộc về phương diện khách quan: là những tình tiết thuộc về các dấu hiệu bên ngoài của tội phạm (mặt khách quan của tội phạm), mà trong vụ án nếu có các tình tiết này, thì hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của tội phạm trở lên nguy hiểm hơn so với các trường hợp thông thường khác mà không có những tình tiết này.

Ví dụ: tình tiết “phạm tội có tổ chức” (điểm a khoản 1 Điều 48); “xâm phạm tài sản Nhà nước” (điểm i khoản 1 Điều 48); “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” (điểm k khoản 1 Điều 48); “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” (điểm l khoản 1 Điều 48)…

2) Nhóm thứ hai là các tình tiết thuộc về phương diện chủ quan: là những tình tiết phản ánh quá trình hoạt động, diễn biến tâm lý bên trong của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội (mặt chủ quan của tội phạm), đồng thời làm cho hành vi phạm tội cũng trở lên nguy hiểm hơn so với các trường hợp thông thường khác mà không có những tình tiết này.

Ví dụ: tình tiết “phạm tội vì động cơ đê hèn” (điểm đ khoản 1 Điều 48); “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” (điểm e khoản 1 Điều 48)…

3) Nhóm thứ ba là các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội: là những tình tiết phản ánh những đặc điểm, đặc tính xã hội khác nhau của một con người cụ thể với tư cách là chủ thể của tội phạm mà những đặc điểm, đặc tính này có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội[9]. Điều này hoàn toàn đúng với quan điểm của Mác khi nói về bản chất của con người: “Bản chất con người không phải là cái trừu tượng, cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”[10]. Vì thế, những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng quan trọng đối với việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội. Đối với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về nhân thân người phạm tội không những làm cho hành vi phạm tội cũng trở lên nguy hiểm hơn mà cả nhân thân người phạm tội đó cũng nguy hiểm hơn so với các trường hợp thông thường khác mà không có những tình tiết này.

Ví dụ: tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (điểm b khoản 1 Điều 48); “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” (điểm c khoản 1 Điều 48); “phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm” (điểm g khoản 1 Điều 48)…

Tuy nhiên, dù phân chia hay các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc bất kỳ nhóm nào đi chăng nữa, thì xét về bản chất chúng đều là những tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội đó theo hướng nguy hiểm hơn, đồng thời là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn, áp dụng mức hình phạt cao hơn, cũng như lại có vai trò giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự trong phạm vi một khung hình phạt nếu trong vụ án hình sự có các tình tiết đó (mà mục 4 dưới đây sẽ xem xét).

4. Vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong việc quyết định hình phạt. Phân tích các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 có liên quan đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cũng như việc áp dụng các tình tiết tăng nặng này trong thực tiễn xét xử, chúng ta có thể nhận thấy vai trò của chúng đối với việc quyết định hình phạt ở một số bình diện dưới đây.

- Theo cấu trúc xây dựng điều luật thì bất kỳ điều luật cụ thể nào trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, nhà làm luật nước ta đều quy định các khung hình phạt khác nhau và trong mỗi khung hình phạt đều quy định mức hình phạt tối thiểu và mức hình phạt tối đa tuỳ theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tương ứng. Cho nên, khi Tòa án đã xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nào, thì dù họ có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì Tòa án cũng không được xử cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt đó. Đây là quy định nhằm tránh sự bất lợi có thể áp dụng cho bị cáo và thể hiện rõ nội dung là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ làm thay đổi mức độ chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm do người đó thực hiện.

Ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt quy định từ 7 năm đến 15 năm tù, thì khi quyết định hình phạt Tòa án không được xử phạt A hình phạt cao hơn 15 năm tù, cho dù A có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đi chăng nữa. Lẽ dĩ nhiên, “số lượng các tình tiết tăng nặng càng nhiều, ý nghĩa tăng nặng của từng tình tiết càng lớn, thì mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và nhân thân người phạm tội càng cao, do đó hình phạt được quyết định đối với bị cáo càng phải nghiêm khắc”[11], song vẫn chỉ trong phạm vi một khung hình phạt. Đây là điểm khác biệt so với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.

- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự cụ thể và đối với mỗi người phạm tội cụ thể chính là đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt của khung hình phạt tương ứng được quy định tại Điều luật cụ thể của Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, đồng thời còn phù hợp với các yếu tố khác như: địa điểm phạm tội,hoàn cảnh phạm tội, thời gian phạm tội, không gian phạm tội, công cụ phạm tội, phương tiện phạm tội, phương pháp phạm tội, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội và, nhân thân người phạm tội nữa…

- Khi xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự liên quan đến một người phạm tội nào đó trong vụ án có đồng phạm, thì Tòa án chỉ được phép áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ấy đối với riêng bản thân người này, chứ nhất thiết không được áp dụng đối với những người đồng phạm khác.

Ví dụ: Đỗ Văn A, Trần Văn B và Dương Quang C là những người đồng phạm trong tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng chỉ riêng C phạm tội có tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” và tình tiết tăng nặng này lại được luật quy định là yếu tố định khung hình phạt tăng nặng tại điểm b khoản 2 Điều luật đó, còn A và B phạm tội không có tình tiết tăng nặng này. Như vậy, trong trường hợp đã nêu Dương Quang C sẽ bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc hơn được quy định tại khoản 2, còn Đỗ Văn A và Trần Văn B do không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trên nên được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều luật đó.

- Có một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội.

Ví dụ: Tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” (điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999) chủ yếu áp dụng đối với các tội giết người (Điều 93), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104) hay tội chống người thi hành công vụ (Điều 257)…

- Mỗi tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có nội dung khác nhau, nên ý nghĩa tăng nặng trách nhiệm hình sự của nó cũng khác nhau trong việc quyết định hình phạt đối với mỗi người phạm tội. Ngoài ra, trong mỗi tình tiết tăng nặng thì ý nghĩa tăng nặng đến trách nhiệm hình sự cũng khác nhau nếu như nó được xem xét & áp dụng với hành vi phạm tội khác nhau hoặc với người phạm tội khác nhau.

Ví dụ: Phạm Tuấn X phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm (khoản 2 Điều 49) đương nhiên phải chịu loại và mức hình phạt nghiêm khắc và cao hơn so với trường hợp nếu X chỉ là tái phạm (khoản 1 Điều 49) hoặc lớn hơn nhiều so với trường hợp nếu A phạm tội thông thường.

Ví dụ: Trần Công L phạm tội trong trường hợp “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (điểm b khoản 1 Điều 48) đương nhiên phải chịu loại và mức hình phạt nghiêm khắc và cao hơn trường hợp nếu L chỉ phạm tội trong trường hợp bình thường và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này.

- Trường hợp người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tòa án phải có quan điểm toàn diện, đánh giá khách quan ý nghĩa của từng tình tiết và nhất là không được thiên lệch, có khuynh hướng nghiêng về tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Về vấn đề này, trước đây điểm 4 mục B phần II của Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/01/1989 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn như sau: “Trong trường hợp một vụ án có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án phải đánh giá, cân nhắc toàn diện, đầy đủ trong một tổng thể, không được đánh giá, cân nhắc một chiều tức là coi trọng tình tiết này, xem thường tình tiết khác, nhất là các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội hoặc ngược lại. Thông thường nếu tính chất của các tình tiét tăng nặng tương đương với tính chất của các tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án không được áp dụng khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985. Nhưng nếu các tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn thì Tòa án vẫn có thể áp dụng khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985”.Ngược lại, nếu tình tiết tăng nặng có ý nghĩa tăng nặng đáng kể, tình tiết giảm nhẹ không đáng kể thì đây là trường hợp tăng nặng và phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác “các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự chính là biểu hiện sự tôn trọng của các cơ quan tư pháp hình sự đối với các nguyên tắc tiến bộ của luật hình sự Việt Nam (như nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bình đẳng trước luật hình sự, nguyên tắc công minh…) trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nói chung, cũng như của Tòa án đối với các nguyên tắc quyết định hình phạt nói riêng (như nguyên tắc cá thể hóa hình phạt) trong thực tiễn xét xử nói riêng”[12].

- Trong quá trình giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội, Tòa án cần phân biệt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào là tình tiết định tội, là tình tiết định khung hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung, cũng như thấy được mối liên hệ chặt chẽ hữu cơ giữa chúng với nhau trong một vụ án hình sự. Mặt khác, để giải quyết đúng đắn một vụ án hình sự, các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền phải xác định rõ tội danh, khung hình phạt và các tình tiết tăng nặng (và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Ba loại tình tiết này có vai trò bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình định tội cũng như lượng hình đối với người phạm tội.

Như vậy, đối với một vụ án hình sự cụ thể, chỉ sau khi xác định được tình tiết định tội mới xác định được tình tiết định khung. Ngược lại, tình tiết định khung có tác dụng trở lại với tình tiết định tội vì nó là căn cứ để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội một cách cụ thể & rõ ràng hơn. Sau khi đã xác định tội danh và khung hình phạt cụ thể mới có cơ sở để xem xét các tình tiết tăng nặng (và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Do đó, việc xem xét hành vi phạm tội với các tình tiết tăng nặng (cộng với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) là thao táo (bước) cụ thể hóa tiếp theo khi đánh giá mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội, từ đó làm sáng tỏ tính chất và mức độ nguy hiểm của toàn bộ tội phạm, làm tiền đề giúp cho Tòa án đưa ra được một biện pháp xử lý đúng đắn.

- Tòa án chỉ được áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự kể từ khi Bộ luật hình sự có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 thì “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới… thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Như vậy, đối chiếu Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 48) so với Bộ luật hình sự năm 1985 (Điều 39) thì tại Điều 48 có các tình tiết tăng nặng sau là những tình tiết mới: 1) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; 3) Phạm tội có tính chất côn đồ; 4) Xâm phạm tài sản Nhà nước; 5) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và, 6) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh để phạm tội. Do đó, nếu trước ngày Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 có hiệu lực pháp luật mà người phạm tội thực hiện tội phạm có một trong các tình tiết trên mà sau khi Bộ luật hình sự có hiệu lực mới bị phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử thì các Tòa án không được coi các tình tiết trên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng đối với người phạm tội.

5. Một số kiến nghị. Từ ý kiến hoàn toàn đúng đắn, khoa học và bảo đảm sức thuyết phục của Giáo sư, TSKH Đào Trí Úc là: “Pháp luật, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống…”[13], cho nên chính vì vậy, trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, qua nghiên cứu một số nội dung của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành chúng tôi có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện về các quy định này như sau.

Thứ nhất, trong Bộ luật hình sự còn thiếu một số định nghĩa pháp lý: như thế nào là tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng (và tình tiết giảm nhẹ) trách nhiệm hình sự để làm cơ sở pháp lý giúp cho các cơ quan tư pháp hình sự & Tòa án phân biệt cũng như áp dụng chính xác chúng trong thực tiễn xét xử.

Thứ hai, cũng trong Bộ luật hình sự, việc sử dụng các thuật ngữ trong các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự còn chưa thống nhất với nhau. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 46 dùng thuật ngữ “dấu hiệu”, còn khoản 2 Điều 48 lại sử dụng thuật ngữ “yếu tố”, khoản 3 Điều 46 dùng thuật ngữ “định khung” nhưng khoản 2 Điều 48 lại sử dụng thuật ngữ “định khung hình phạt”. Vậy, những thuật ngữ này có thống nhất nội dung với nhau hay không, theo chúng tôi nhược điểm này cần phải được nhà làm luật nước ta kịp thời khắc phục.

Và ba là, theo chúng tôi, các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất trong việc quy định vàáp dụng chúng trong thực tiễn hoặc đang được thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đặt ra, chẳng hạn: trường hợp một người “đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới…” có bị coi là tái phạm nguy hiểm không[14]; “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” (điểm k khoản 1 Điều 48); “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được” (điểm h khoản 1 Điều 48) là như thế nào…/.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem: Nguyễn Ngọc Hòa & Lê Thị Sơn. Thuật ngữ Luật hình sự. Trong sách: Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.116.

[2] Xem: Kiều Đình Thụ. Tìm hiểu luật hình sự Việt Nam. NXB TP Hồ Chí Minh, 1998, tr.233.

[3] Xem: Đinh Văn Quế. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.12; Đinh Văn Quế. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999. Phần chung. NXB thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.236-237.

[4] Xem: Đỗ Ngọc Quang. Chương III – Quyết định hình phạt của Phần thứ ba. Trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam. Trường Đại học Cảnh sát, Hà Nội, 1995, tr. 305.

[5] Xem: Trần Văn Sơn. Quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, 1996, tr.36.

[6] Xem: Dương Tuyết Miên. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 1999. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 1/2003, tr.19.

[7] Xem cụ thể hơn: Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự.

[8] Xem: Đinh Văn Quế. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự… (đã dẫn), tr. 239.

[9] Xem cụ thể hơn: Trịnh Tiến Việt. Nhân thân người phạm tội – Một điều kiện để xét cho hưởng án treo. Tạp chí Kiểm sát, số 8/2002, tr.20.

[10] Xem: Mác-Ăngghen. Tuyển tập (Tập 1). NXB Sự thật. Hà Nội, 1980, tr. 257.

[11] Xem: Võ Khánh Vinh. Quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam. Chương IX. Trong sách: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam. Tập thể tác giả do GS.TSKH Đào Trí Úc chủ biên. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.298.

[12] Xem: Lê Cảm & Trịnh Tiến Việt. Nhân thân người phạm tội: Một số vấn đề lý luận cơ bản. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 1/2002, tr.12.

[13] Xem: Đào Trí Úc. Luật hình sự Việt Nam (Quyển I – Những vấn đề chung). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.209.

[14] Xem cụ thể hơn: Đinh Văn Quế. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự… (đã dẫn), tr.300-301.

TRỊNH TIẾN VIỆT - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tạp chí Nghề Luật  số 04/2006

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169