Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 46 BLHS)

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 46) được hướng dẫn và quy định tại 01/2000/NQ-HĐTP (Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự), nội dung cụ thể về như sau:

a - Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ một số tình tiết giảm nhẹ mà Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định; cụ thể những tình tiết sau đây:

- Phạm tội vì bị người khác chi phối về mặt vật chất, công tác hay các mặt khác (điểm đ khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985).

- Phạm tội do trình độ nghiệp vụ non kém (điểm g khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985).

Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 5-7-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an "Hướng dẫn thi hành Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và Mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội" (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT), thì vẫn có thể áp dụng những tình tiết giảm nhẹ nói trên đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau thời điểm này mới bị xét xử, nếu họ có những tình tiết giảm nhẹ đó.

tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-jpg-23052014015327-U1.jpg

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 46 BLHS).

b- Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định bổ sung một tình tiết giảm nhẹ mới; cụ thể là những tình tiết sau đây:

- Người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả (Điểm b khoản 1);

- Người phạm tội đã lập công chuộc tội (điểm r khoản 1);

- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm s khoản 1).

Mặc dù những tình tiết giảm nhẹ nói trên được Bộ luật hình sự năm 1999 quy định bổ sung, nhưng trong thực tế thì các Toà án đã áp dụng những tình tiết này khi quyết định hình phạt theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự". Tuy nhiên, nay Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định bổ sung các tình tiết này vào khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT, thì đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau thời điểm này mới bị xét xử và nếu họ có các tình tiết giảm nhẹ này, thì áp dụng các điểm tương ứng của khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với họ.

Để áp dụng đúng các điểm r, s khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cần chú ý:

- "Đã lập công chuộc tội" là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác... được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

- Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua.....

c- Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án". Theo các văn bản hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân tối cao và của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan hữu quan khác cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua, thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:

- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:

- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Người bị hại cũng có lỗi;

- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

d- Khi xét xử cần chú ý quy định mới được bổ sung tại khoản 3 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 mà Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định, đó là: "Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt".

Ví dụ: Một người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh( khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999) thì khi quyết định hình phạt không được áp dụng điểm d khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169