Các cơ quan tổ chức có quyền báo tin đến cơ quan công an
Nội dung câu hỏi:Tôi sống trong một khu tập thể khá đông hộ dân, Cùng khu tập thể nơi tôi sống có một bà lớn tuổi, sống một mình ( hộ độc thân) tôi biết từ hồi tôi còn nhỏ tuổi. Trước bà cũng là CBCN viên chức. Đã nghỉ hưu gần 10 năm nay, cuộc sống ở thành phố cũng chẳng ai để ý ai, nếu như bố tôi không phải tổ trưởng tồ dân phố. Vấn đề là ở chỗ gần đây tôi mới biết, bà ý có biều hiện tâm thần vì sống một mình không con cái nên chẳng ai để ý cả. Cho đến một ngày bà tự khoá cửa nhốt mình ở trong nhà, la hét đập phá gây ầm ĩ, phải nhờ sự can thiệp của tổ dân phố. Mới phát hiện ra sự việc bà bị dấu hiệu tâm thần từ lúc nào không ai biết. Tài sản và của cải thì không ai biết mà để ý vì bà sống khá biệt lập, nên khi hoang tưởng bà đổ cho ai đó lấy. Thật hay giả cũng không ai biết được, nhưng một cái có thể nhìn thấy là khi về hưu lương của bà khá cao. Từ rất lâu rồi bà không lấy lương hưu, mẹ tôi cũng giúp bà bằng cách tìm đến cơ quan cũ của bà xin quyết định về hưu. Cùng lúc này cũng có thông tin chưa chính xác là em gái ruột bà ý đã lấy lương của chị từ rất lâu rồi. Nhưng tư lợi và bỏ bê chị gái như kiểu chiếm đoạt, nếu như sự việc không được tổ dân phố thắc mắc, truy hỏi cũng chưa tìm được ra sự thật. Vậy luật sư cho hỏi nhà nước mình có cơ quan đoàn thể nào có thể giúp được vấn đề trên của bà ý, vì thật ra ai giúp vào vấn đề trên cũng rất ngại, tốt thành xấu với người biểu hiện bệnh tâm thần. Vấn đề này tôi tham gia cũng rất tế nhị, mong luật sư tư vấn giúp.Rất mong sự giúp đỡ tư vấn của Luật Sư. Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm được hồi đáp.
Trả lời : Cám ơn anh đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của anh chúng tôi xin trả lời như sau:
Nếu có căn cứ cho rằng có người chiếm đoat tài sản của người phụ nữ có dấu hiệu bị tâm thần thì các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều có quyền báo đến các cơ quan công an , theo điều 143, 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 "Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật."
Nếu vì lý do nào đó, các cá nhân không dám đứng ra tố giác thì có thể nhờ các cơ quan, tổ chức khác tại nơi người phụ nữ bị mắc bệnh kia sinh sống báo tin đến cơ quan công an. Các tổ chức này có thể là:
- Hội liên hiệp phụ nữ
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam
- Hội cựu chiến binh
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương Hà - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất