Các cơ quan nào có thẩm quyền giám định chữ ký?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn Luật Giám định tư pháp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một trong những căn cứ để xác định đất không có tranh chấp là việc ký giáp ranh trong bản mô tả ranh giới thửa đất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp mâu thuẫn liên quan đến chữ ký giáp ranh này, điển hình là việc hàng xóm không ký giáp ranh, giả mạo chữ ký,… ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp.
Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu Luật Giám định tư pháp 2012 để nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này hoặc liên hệ với Công ty Luật Minh Gia để chúng tôi tư vấn cụ thể hơn về:
- Các cơ quan có thẩm quyền giám định chữ ký;
- Hồ sơ yêu cầu giám định chữ ký;
- Chế tài xử lý đối với hành vi giả mạo chữ ký.
Ngoài ra, bạn tham khảo thêm tình huống chúng tôi cung cấp sau đây để tìm hiểu thêm và áp dụng vào trường hợp của mình.
2. Tư vấn về giám định chữ ký giáp ranh
Câu hỏi tư vấn:
Kính gửi luật sư. Tôi có một câu hỏi gửi đến luật sư kính mong nhận được sự giúp đỡ của luật sư. Tôi có một mảnh đất đã được cấp sổ bìa đỏ từ năm 2001 nhưng bây giờ người giáp ranh với nhà tôi nói rằng chữ ký giáp ranh đó không phải là của ông ấy và kiện lại nhà tôi là ký khống. Ông ấy đã gửi đơn luôn lên huyện. Đất nhà ông ấy chưa có sổ bìa đỏ. Xin hỏi luật sư cơ quan nào có chức năng thẩm định chữ ký ạ? Nếu đúng là chữ ký giả thì sẽ bị xử lý thế nào và không phải chữ ký giả sẽ xử lý như thế nào ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư và mong sớm nhận đc câu trả lời.
Nội dung tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2001, do đó vấn đề đo đạc địa chính xác định ranh giới thửa đất được áp dụng theo quy định tại Thông tư 346/1998/TT-TCĐC hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, biên bản xác định ranh giới đất là một trong những giấy tờ bắt buộc để đăng ký đất đai ban đầu, xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng chưa đăng ký.
Do vậy, việc xác nhận ranh giới thửa đất phải được tất cả các hộ gia đình liền kề ký xác nhận diện tích thửa đất mà gia đình bạn đang sử dụng là đúng thực tế và không có tranh chấp. Nếu chữ ký giáp ranh đó không phải của người hàng xóm thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chữ ký giáp ranh của người hàng xóm. Căn cứ Luật giám định tư pháp 2012 và Nghị định 85/2013/NĐ-CP các cơ quan sau có thẩm quyền giám định chữ ký:
- Cơ quan trực thuộc Bộ Y tế: Viện pháp y quốc gia, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, Viện pháp y tâm thần Trung ương;
- Cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng: Viện pháp y Quân đội, Phòng giám định kỹ thuật hình sự;
- Cơ quan trực thuộc Bộ Công an: Viện Khoa học hình sự, Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự;
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.
Do vậy, nếu bạn có nhu cầu giám định chữ ký giáp ranh đó, bạn có thể gửi hồ sơ yêu cầu giám định đến một trong các cơ quan được liệt kê phía trên. Kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, tùy thuộc vào độ phức tạp của chữ ký cần giám định, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả giám định trong vòng 10 – 30 ngày làm việc, theo đó sẽ có hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Chữ ký giáp ranh đó là của người hàng xóm
Lúc này người hàng xóm kiện bạn là không có cơ sở vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn là hoàn toàn hợp pháp.
Trường hợp 2: Chữ ký giáp ranh đó không phải của người hàng xóm
Trong trường hợp này, người hàng xóm có quyền kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có thửa đất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Lúc này, Tòa án sẽ xem xét lại tính hợp pháp của chữ ký và xác định lại diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình bạn có lấn chiếm sang các diện tích đất liền kề hay không. Sau khi tiến hành đo đạc lại, nếu gia đình bạn có hành vi lấn chiếm sang phần đất của gia đình hàng xóm thì gia đình hàng xóm có quyền đòi lại phần diện tích đất bị lấn chiếm đó.
Đồng thời, bạn cũng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013:
“Điều 95. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
…
4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
…
c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
…”
Ngoài ra, bạn phải xác định ai là chủ thể thực hiện hành vi giả mạo chữ ký, hành vi này có thể bị xử lý như sau:
Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
…”
Đối với tội giả mạo trong công tác thì chủ thể của tội giả mạo trong công tác là người có chức vụ, quyền hạn và phải có hành vi khách quan là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi giả mạo chữ ký của người khác trong khi thực hiện công việc. Do đó, nếu chủ thể thực hiện hành vi giả mạo chữ ký giáp ranh khi gia đình bạn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cán bộ địa chính thì chủ thể đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Trong trường hợp gia đình bạn giả mạo chữ ký để chiếm phần đất của gia đình hàng xóm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
…”
Như vậy, tùy theo hành vi, đối tượng thực hiện cũng như hậu quả mà việc giả mạo chữ ký sẽ bị xử lý khác nhau. Khi nhận thấy dấu hiệu tội phạm, bạn có thể trình báo hành vi vi phạm đến cơ quan điều tra - công an cấp quận/huyện nơi bạn hoặc người có hành vi vi phạm cư trú để điều tra, xác minh hành vi phạm tội
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất