Nguyễn Ngọc Ánh

Biên chế là gì? Các chế độ được hưởng khi tinh giản biên chế?

Biên chế, tinh giản biên chế là hai khái niệm thường được nhắc đến đối với những người làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, khi được vào biên chế hoặc khi bị tinh giản biên chế thì đều phải đáp ứng được những điều kiện nhất định và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Dưới dây là nội dung bài viết liên quan đến chế độ tinh giản biên chế, quý khách có thể tham khảo.

 

1. Biên chế là gì?

Biên chế là từ ngữ được rất nhiều người sử dụng và được đề cập đến nhiều trong các văn bản quy định về chế độ quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức… tuy nhiên hiện nay trong các văn bản pháp luật liên quan đến chế độ của cán bộ, công chức, viên chức lại không có đề cập đến khái niệm, định nghĩa cụ thể, chi tiết liên quan đến biên chế.

Tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế có đề cập đến biên chế, cụ thể biên chế theo quy định tại Nghị định 108 được hiểu bao gồm biên chế cán bộ, biên chế công chức, biên chế số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Từ nội dung nêu trên có thể hiểu biên chế là số lượng người làm việc lâu dài, ổn định tại một vị trí công việc trong cơ quan nhà nước, trong đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo mức lương đã được quy định cụ thể theo quy định pháp luật.

Hoặc hiểu một cách đơn giản nhất biên chế thường để chỉ những người làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập với các chức danh như cán bộ, công chức, viên chức.

2. Tinh giản biên chế là gì?

Mặc dù bản chất của biên chế là có tính ổn định, lâu dài tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp khi làm việc trong biên chế đều được duy trì đến thời điểm ổn định, lâu dài mà mình mong muốn nếu người làm việc trong biên chế rơi vào trường hợp tinh giản biên chế.

Cũng theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Theo đó, các trường hợp tinh giản biên chế được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP, trong đó bao gồm một số trường hợp cơ bản như sau:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

-…

3. Các chế độ được hưởng khi tinh giản biên chế

Hiện nay, theo quy định của pháp luật về tinh giản biên chế thì có các chế độ được hưởng khi tinh giản biên chế như sau:

- Chính sách nghỉ hưu trước tuổi

Chính sách nghỉ hưu trước tuổi được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các trường hợp tinh giản biên chế theo quy định về tinh giản biên chế và nằm trong độ tuổi nghỉ hưu trước tuổi khi tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 8 Nghị 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP.

Khi thuộc trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, tùy từng trường hợp, tùy từng độ tuổi mà người bị tinh giản có thể được hưởng các chế độ tương ứng. Trong đó có một số chế độ nổi bật như sau:

  • Không bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;
  • Được trợ cấp cho những năm nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu của pháp luật lao động;
  • Được trợ cấp tương ứng với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

-  Chính sách thôi việc ngay

Chính sách thôi việc ngay được áp dụng với trường hợp người thuộc đối tượng bị tinh giản biên chế nằm trong độ tuổi hưởng chính sách thôi việc ngay theo quy định tại Điều 10 Nghị 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP và chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế thì được hưởng chính sách thôi việc ngay. Chính sách thôi việc ngay bao gồm các chế độ sau:

  • Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
  • Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, trường hợp người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108 có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

4. Giải quyết tình huống

Nội dung yêu cầu: Tôi cũng có đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay. Đến nay tôi thuộc diện tinh giản biên chế thôi việc ngay. Vậy tôi có được hưởng quyền lợi gì theo chế độ hay không, Tôi đã hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội huyện. Tôi đóng bảo hiểm xã hội 21 năm thì có được hưởng chế độ gì hay không, thì được trả lời như sau: nếu đóng bảo hiểm dưới 20 năm thì mới được giải quyết chế độ một lần, còn trên 20 năm thì được bảo lưu chờ đến khi đủ tuổi mới được hưởng hưu. Vậy giả sử trong thời gian chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu tôi gặp rủi ro tử vong chẳng hạn thì sẽ thế nào. Tôi sẽ được quyền lợi gì. Xin luật sư vui lòng giải đáp cho tôi được rõ, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp chị đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chế độ thôi việc ngay do tinh giản biên chế

Theo nội dung chị cung cấp chị thuộc đối tượng tinh giản biên chế và được hưởng chính sách thôi việc ngay do tinh giản biên chế. Chế độ thôi việc ngay do tinh giản biên chế được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP, cụ thể theo quy định tại Khoản 1 ĐIều 10 chị được hưởng các chế độ khi thôi việc ngay như sau:

  • Trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng để tìm việc làm mới;
  • Trợ cấp 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm, chị công tác tại đơn vị 21 năm do đó chị được hưởng trợ cấp = 21x1,5=31,5 tháng lương.

Thứ hai, về chế độ khi đang chờ nghỉ hưu

Trong trường hợp chị đóng bảo hiểm xã hội được 21 năm thì chị sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần do chế độ bảo hiểm xã hội một lần được chi trả trong trường hợp người lao động chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội hoặc đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên nhưng bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc ra nước ngoài để định cư. Do vậy việc cơ quan bảo hiểm trả lời chị không được rút bảo hiểm xã hội một lần là đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp chị đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí mà chị chết thì thân nhân của chị sẽ được hưởng chế độ tử tuất theo quy định tại Mục 5 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể thân nhân của chị sẽ được hưởng các chế độ sau:

  • Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm tổ chức mai táng;
  • Chế độ tử tuất hàng tháng hoặc chế độ tử tuất một lần tùy thuộc vào đối tượng hưởng và nhu cầu hưởng theo quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo