Luật sư Lê Văn Chức

Buôn bán điện thoại cũ qua biên giới có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn về trường hợp muốn kinh doanh điện thoại di động cũ từ nước ngoài về Việt Nam có vi phạm pháp luật không. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Dạ thưa luật sư ! Em muốn kinh doanh điện thoại di động cũ cùng với bạn là người nước ngoài từ Hàn Quốc về Việt Nam thì có vi phạm pháp luật không ạ ?1..Nếu bạn em có 250 chiếc điện thoại di động . Ở Hàn Quốc , bạn em chuẩn bị các tài liệu xuất khẩu đầy đủ nhưng không có tài liệu nhập khẩu ở Việt Nam thì bạn em có được lên máy bay ở Hàn Quốc và xuống máy bay ở Việt Nam không ?2.. Nếu điểm đến cuối cùng của bạn em là Malaisia , bạn em có được phép bay qua Việt nam cùng với điện thoại không ? Có gặp được em không ? Nếu em nhận điện thoại thì em có bị ảnh hưởng gì không ? Em có bị đi tù hoặc bị phạt gì không ?3. Nếu bạn em mang điện thoại di động có thời hạn sử dụng quá 1 năm hoặc điện thoại bị hư vỏ thì có bị đi tù không ? 4. Điện thoại được nhập vào Việt Nam là điện thoại sử dụng dưới 1 năm hay sản xuất dưới 1 năm ?Em mong luật sư sẽ giúp em trả lời những thắc mắc này vì em muốn kinh doanh điện thoại di động cũ nên rất cần sự giúp đỡ của luật sư.

 

Trả lời:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu:

 

Theo mục 3, chương II, phụ lục I,  Văn bản hợp nhất số 09-VBHN-BCT Nghị định mua bán đại lý gia công quá cảnh hàng hóa quốc tế 2017 quy định về Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu:

 

“…h) Hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng…”

 

Theo như bạn cung cấp, bạn muốn nhập khẩu điện thoại di động cũ đã qua sử dụng từ Hàn quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, điện thoại di động cũ thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu về Việt Nam.

 

Tuy nhiên, căn cứ quy định Điều 4, Quyết định 18/2016/ QĐ- TTg về Các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu:

 

“...2. Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để làm thiết bị Điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.

 

..."

 

'Điều 5. Điều kiện, tiêu chí đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu:

 

1. Người nhập khẩu là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

2. Điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu quy định tại Điều 4 Quyết định này như sau:

 

...b) Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để làm thiết bị Điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất:

 

- Sản phẩm nhập khẩu chỉ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất của người nhập khẩu;

 

- Sản phẩm nhập khẩu phải là thiết bị, bộ phận cấu thành của hệ thống, dây chuyền sản xuất."

 

Theo bạn cung cấp, bạn muốn kinh doanh điện thoại di động cũ. Do đó, nếu bạn đáp ứng được điều kiện là nhập khẩu điện thoại đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất, thì bạn sẽ được phép nhập khẩu điện thoại đã qua sử dụng về Việt Nam và bạn có thể được kinh doanh nếu phù hợp với mục đích kinh doanh theo quy định trên.

 

Thứ hai, về việc lên máy bay ở Hàn Quốc và xuống máy bay ở Việt Nam:

 

Trong trường hợp bạn đã đáp ứng đủ điều kiện được phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu, bạn sẽ phải làm Hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu.

 

Căn cứ quy định tại Điều 8, Quyết định 18/2016/ QĐ- TTg về Thủ tục cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu

 

“1. Hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh Mục cấm nhập khẩu gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

2. Trong trường hợp người nhập khẩu cung cấp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông có thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

 

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu. Trường hợp không cho phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

 

Như vậy, khi có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu, Bạn của bạn có thể được lên máy bay ở Hàn Quốc và xuống máy bay ở Việt Nam.

 

Thứ ba, về việc quá cảnh tại Việt Nam cùng với điện thoại :

 

Căn cứ quy định tại Điều 23, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam 2014 về Điều kiện quá cảnh:

 

Người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

 

2. Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;

 

3. Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.”

 

“Điều 24. Khu vực quá cảnh

 

1. Khu vực quá cảnh là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba.

…”

“Điều 25. Quá cảnh đường hàng không

 

1. Người nước ngoài quá cảnh đường hàng không được miễn thị thực và phải ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay.

 

2. Trong thời gian quá cảnh, người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh.”

 

Theo như bạn cung cấp, bạn của bạn sẽ quá cảnh tại Việt Nam, việc quá cảnh phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu bạn của bạn quá cảnh tại Việt Nam cùng với điện thoại di động thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và chuyển số hàng đó cho bạn thì không được phép.

 

Trong thời gian quá cảnh, theo quy định của pháp luật, bạn của bạn chỉ có thể ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay, chứ không được tự ý rời khỏi khu vực đó (trừ trường hợp, bạn của bạn có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh).

 

Thứ tư, về việc nhận điện thoại trong thời gian quá cảnh:

 

Trường hợp, bạn của bạn đủ điều kiện quá cảnh mà có vận chuyển hàng hóa trái phép thì hành vi của bạn bạn bị xét xử về Tội buôn lậu theo quy định Khoản 1, Điều 188, Bộ luật hình sự 2015:

 

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

 

Như vậy, việc xem xét bạn có là đồng phạm hay không thì còn phải xem xét giữa bạn và bạn của bạn có hứa hẹn việc bạn của bạn sẽ che giấu tội phạm hay không? Nếu có sự hứa hẹn che giấu cho nhau thì bạn sẽ bị kết án về tội buôn lậu với vai trò đồng phạm.

 

Vậy nên, đối với trường hợp kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục cấm nhâp khẩu, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu điện thoại đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất, thì bạn sẽ được phép kinh doanh mặt hàng này.

 

Trân trọng ./.

Chuyên viên Lê Nhung - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169