Lò Thị Loan

Bồi thường thiệt hại khi NLĐ bị tai nạn do NLĐ khác gây ra

Thế nào là tai nạn lao động? Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động do người làm cùng gây ra thì người sử dụng có trách nhiệm gì với người lao động? Nghĩa vụ bồi thường của người gây ra tai nạn?


Câu hỏi:
Anh trai tôi trong giờ làm ca của mình do sơ xuất vì điện tối và khuất tầm nhìn đã đóng cối vò làm 1 công nhân bị tai nạn giập bàn tay phải (anh tôi làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình). Hiện nay công nhân này vẫn đang nằm viện chưa giám định sức khỏe. Anh tôi đã đưa cho công nhân này 10 triệu để lo viện phí. Nhưng về phía công ty chưa đưa cho công nhân này đồng nào và còn có ý kiến là anh trai tôi phải chịu phần lớn, công ty chỉ chịu phần nào thôi. Xin hỏi công ty có trách nhiệm thế nào với công nhân này? Anh trai tôi có trách nhiệm thế nào với công ty và công nhân bị nạn kia? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

Như vậy, trong trường hợp này, người công nhân bị tai nạn giập bàn tay phải được coi là bị tai nạn lao động. Căn cứ quy định pháp luật lao động và pháp luật dân sự có liên quan thì: công ty và anh bạn có trách nhiệm như sau:

- Công ty có trách nhiệm:

Căn cứ Điều 144, Điều 145 Bộ luật lao động năm 2012 thì phía công ty có trách nhiệm:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

+ Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

+ Bồi thường thiệt hại theo Điều 145 Bộ luật lao động năm 2012:

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

- Anh bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe của người kia:

+ Căn cứ Điều 605 BLDS năm 2005, nếu anh bạn và phía người công nhân thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, phương thức bồi thường thì thực hiện theo thỏa thuận đó (ưu tiên thỏa thuận của các bên).

+ Trường hợp không thỏa thuận được thì căn cứ Điều 609, anh bạn phải bồi thường thiệt hại sau:

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Như vậy, anh bạn thực hiện bồi thường theo quy định trên, công ty không có quyền yêu cầu anh bạn phải chi trả một phần khoản chi trả thuộc trách nhiệm công ty.

Người công nhân kia ngoài những khoản bồi thường trên thì còn được hưởng trợ cấp theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường thiệt hại khi NLĐ bị tai nạn do NLĐ khác gây ra. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo