Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bồi thường tai nạn lao động do bên thứ 3 gây ra?

Tư vấn trường hợp: Tôi đang làm vệ sinh thì bị một xe ô tô 4 chỗ ngồi đâm. Luật sư có thể tư vấn cho tôi về trách nhiệm của công ty, người gây tai đối với tôi như thế nào để đảm bảo quyền lợi của tôi? Cụ thể:


Hỏi: Tôi là A là công nhân công ty TNHH MTV X, vào ngày 30/12/201x trong khi tôi đang làm vệ sinh thì bị một xe ô tô 4 chỗ ngồi đâm vào khiến tôi bị gãy tay , chân và bị gãy sương đòn phía bên phải qua quá trình điều trị thì hiện nay sức khỏe không còn được như trước bên cạnh đó xương đòn vai của tôi không thể liền được. Tôi là một công nhân chồng mất sớm, mình tôi nuôi hai con nhỏ vì vậy tôi là trụ cột của gia đình vì vậy tôi mong luật sư có thể tư vấn cho tôi về trách nhiệm của công ty, người gây tai đối với tôi như thế nào để đảm bảo quyền lợi của tôi. Tôi xin cám ơn.

 

Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động do bên thứ 3 gây ra?

>> Tư vấn quy định về chế độ tai nạn lao động, gọi: 1900.6169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin cung cấp thì trường hợp của chị được hiểu là tai nạn lao động.

*) Việc chị bị tai nạn lao động do người thứ 3 trong khi đang làm việc thì Thông tư 04/2015/TT-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động đã có quy định cụ thể. Vì vậy, bên phía công ty sẽ phải chi trả cho chị những khoản sau đây:

 

- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động.

Trong trường hợp chị bị suy giảm sức khỏe lao động từ 5% trở lên thì căn cứ vào Điều 145 Bộ luật lao động, chị sẽ được bồi thường như sau:

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

*) Về phía BHXH thì điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định như sau:

Điều 39: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này. 

Vì vậy, chị cần có giấy giám định thương tật của bệnh viện nơi chị tham gia khám chữa bệnh để được hưởng các loại trợ cấp sau:

- Trợ cấp 1 lần:

Điều 42. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. 

- Trợ cấp hàng tháng:

Điều 43. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.  

*) Về phía người trực tiếp gây tai nạn cho chị chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định như sau:

Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng
mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

 

Trân trọng!

Luật gia Đào Quang Vinh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo