Cao Thị Hiền

Bồi thường, khắc phục hậu quả có được giảm nhẹ tội?

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết có trong một vụ án cụ thể, tòa án sẽ xem xét ra quyết định, bản án giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội không. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội thể hiện sự khoan hồng của nhà nước. Pháp luật hình sự quy định tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

1. Bồi thường, khắc phục hậu quả là gì?

Bồi thường thiệt hại là đền bù bằng tài sản cho những thiệt hại mà tội phạm gây ra. Thông thường khi nhắc đến bồi thường thiệt hại thì việc bồi thường chủ yếu là bồi thường về vật chất chứ không thể bồi thường được về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng không phải khắc phục hết mọi hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều.

2. Bồi thường, khắc phục hậu quả có được giảm nhẹ tội?

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tòa án sẽ xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nếu có. Điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.” Như vậy trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại nhưng tự nguyện bồi thường hoặc khắc phục hậu quả do mình gây ra thì được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều này thể hiện sự khoan hồng đối với người phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án mà ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả gây ra.

Quy định về tình tiết người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả đã có sự phân biệt rõ ràng giữa hành vi sửa chữa, bồi thường thiệt hại và hành vi khắc phục hậu quả bằng chữ “hoặc”. Tùy thuộc vào hành vi phạm tội mà người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Đây là hai hành vi độc lập, chỉ cần có một trong hai tình tiết thì được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Người phạm tội phải tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Sự tự nguyện được thể hiện như sau:

  • Người phạm tội tự mình bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.
  • Người phạm tội không có tài sản để bồi thường nhưng đã có hành vi tác động đến gia đình, người thân, bạn bè... bồi thường thay cho mình trong lúc họ đang bị giam giữ hoặc khi họ không có khả năng bồi thường và những người này đã thực hiện việc bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
  • Người phạm tội mặc dù không có trách nhiệm bồi thường nhưng đã tự nguyện dùng tài sản của mình để bồi thường, khắc phục hậu quả hoặc tích cực tác động đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hẩu quả và những người này đã thực hiện việc bồi thường, khắc phục hậu quả.

Đối với người dưới 18 tuổi thì người giám hộ tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với họ.

Khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào ý thức thái độ tự nguyện của người phạm tội, hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả, cũng như thiệt hại thực tế, mức bồi thường thiệt hại để xem xét việc miễn trách nhiệm cho họ.

3. Một số vướng mắc khi áp dụng tình tiết bồi thường, khắc phục hậu quả

Thứ nhất, điều luật không quy định mức bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là bao nhiêu, một phần hay toàn bộ. Nhưng qua thực tiễn xét xử, Tòa án vẫn cọi trường hợp người phạm tội chỉ bồi thường hoặc khắc phục hậu quả một phần là tình tiết giảm nhẹ. Song cũng có quan điểm cho rằng phải bồi thường đáng kể mới được áp dụng tình tiết này.

Thứ hai, người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả nhưng pháp luật lại không quy định vào thời điểm nào thì được xem xét, chấp nhận. Nếu người phạm tội bồi thường vào giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hay đang nghị án có được chấp nhận hay không?

Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có những hướng dẫn cụ thể về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” điều này cho việc áp dụng không thống nhất, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án. Do đó, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có giải đáp hoặc hướng dẫn cụ thể hơn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn