LS Ngọc Anh

Bồi thường có đặt ra khi người lao động bị sa thải?

Luật sư tư vấn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và khi bị xử lí kỉ luật sa thải có phải bồi thường không? Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung tư vấn: Chào luật sư, tôi vừa ký hợp đồng lao động với một trung tâm ngoại ngữ tư nhân với thời hạn là 3 năm bắt đầu từ ngày 15/7/2017 đến ngày 15/7/2020 với mức lương khá cao. Trong hợp đồng có điều khoản với nội dung rằng nếu tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (có báo trước 30 ngày) vì bất kỳ lý do gì hoặc thậm chí là bị sa thải trước thời hạn kết thúc hợp đồng (15/7/2020) thì đều phải bồi thường hợp đồng cho trung tâm với mức bồi thường bằng số tháng chưa làm việc trước ngày hết hạn hợp đồng nhân với mức lương cơ bản (4,300,000 VND). Ví dụ như tôi chấm dứt hợp đồng hoặc bị sa thải vào tháng thứ 30, tức là còn 6 tháng trước khi hết hạn hợp đồng thì tôi phải bồi thường hợp đồng với số tiền là 6x4,300,000 = 25,800,000 VND. Ban đầu do không rõ luật lao động nên tôi đã đồng ý ký hợp đồng, tuy nhiên sau khi đọc qua luật lao động thì tôi mới thấy hình như trong luật không có điều khoản nào quy định giống như điều khoản trong hợp đồng của trung tâm tôi vừa nêu. Tôi xin hỏi luật sư rằng điều khoản nêu trên của trung tâm tôi làm có hợp lý và đúng theo quy định pháp luật không, nhất là về vấn đề phải tôi bồi thường cho trung tâm khi bị sa thải ? Nếu không thì tôi cần phải làm gì nếu muốn chấm dứt hợp đồng đơn phương hoặc bị sa thải để tránh bồi thường quá nhiều? Xin cám ơn luật sư. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 15 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) có quy định: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

 

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 17 BLLĐ quy định về nguyên tắc giao kết HĐLĐ như sau: “Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội”.

 

Mặt khác, tại Điều 37 BLLĐ quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động.

 

Như vậy, theo các quy định trên thì thỏa thuận giữa bạn với trung tâm ngoại ngữ về “trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn (ngay cả khi đơn phương chấm dứt đúng luật) hoặc thậm chí bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải thì đều phải bồi thường cho trung tâm”. Nội dung của thỏa thuận trên đã vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ theo Khoản 2 Điều 17 BLLĐ 2012. Vì thỏa thuận như vậy sẽ làm hạn chế quyền chấm dứt của người lao động (thỏa thuận trái luật).

 

Về việc nếu bạn bị chấm dứt hợp đồng theo hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì theo quy định tại Điều 126 BLLĐ 2012:

 

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ,..

 

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm…”

 

Theo đó, trung tâm ngoại ngữ chỉ được xử lý kỷ luật sa thải khi bạn thuộc một trong các trường hợp trên. Và nếu thuộc trường hợp bị sa thải thì pháp luật lao động không có quy định nào về việc người lao động phải bồi thường hợp đồng cho người sử dụng lao động. Vấn đề bồi thường, tại Điều 130 BLLĐ quy định: “Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

 

Hoặc trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì sẽ có trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 BLLĐ:

 

“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

 

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ có nghĩa là bạn vi phạm quy định tại Điều 37 BLLĐ: không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1, không đáp ứng đủ thời gian báo trước theo Khoản 2.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Bạc Minh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo