Nguyễn Kim Quý

Bôi nhọ nhân phẩm, danh dự qua Facebook bị xử lý như thế nào?

Danh dự và nhân phẩm của một người là giá trị nhân thân của một con người và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và nhân phẩm của một cá nhân.

1. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự

Danh dự và nhân phẩm của một cá nhân được pháp luật bảo vệ và quy định cụ thể trong Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Mọi hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác tùy vào mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội mà nhiều người đã lợi dụng sự phát triển đó và phát tán các thông tin không phù hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Để được tư vấn cụ thể về hậu quả cũng như cách xử lý đối với các hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, bạn có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số Hotline 1900.6169 để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm của chúng tôi hỗ trợ tư vấn cụ thể trường hợp của mình.

2. Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác thông qua mạng xã hội

Nội dung tư vấn: Kính gửi Quý Luật sư, Em có 1 vấn đề xin được tư vấn như sau ạ: Công ty em là công ty xây dựng nội thất, bị khách hàng nợ tiền nên có nợ lương nhân viên các tháng 2+3.2019. Nhân viên công ty có đồng ý việc thanh toán lương chậm này vào ngày 25/04/2019 trong biên bản cuộc họp với ban giám đốc, họ cũng đã đồng ý ký vào biên bản cuộc họp ngày 15/4/2019.Tuy nhiên tới tối ngày 16/4/2019 thì có 5 bạn nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc để lại trên bàn giám đốc và nghỉ ngay lập tức ngày 17/04/2019 kèm theo việc không bàn giao dữ liệu marketing, thiết kế, kế toán và cầm 1 số tài liệu quan trọng của công ty về. 5 nhân viên này không có hợp đồng lao động (công ty ký hợp đồng với 5 nhân viên này dưới dạng hợp đồng học việc và cộng tác viên).- Sau khi 5 bạn này nghỉ công ty có mới lên làm việc bàn giao lại dữ liệu để trả lương, nhưng chỉ có 2/5 nhân viên lên bàn giao công việc, công ty em cũng đã thanh toán lương còn nợ vào ngày 25/4 cho 2 nhân viên này. Như vậy chỉ còn 3 bạn chưa lên bàn giao giấy tờ và dữ liệu nên chưa nhận được lương.- Tới ngày 22/04/2019, 2 trong số 3 nhân viên chưa lên bàn giao này đăng bài lên mạng xã hội facebook về việc công ty quỵt lương nhân viên (trong 2 nhân viên đăng bài này có 1 bạn bầu 7 tháng mới làm việc được tại công ty 3 tháng) do là bạn bầu nên bạn này dùng hình ảnh mình bầu bí nên được rất nhiều người đồng cảm.==> Trong bài viết bạn này có đăng hình ảnh các thành viên ban giám đốc cùng với số điện thoại, địa chỉ facebook cá nhân, địa chỉ facebook, website công ty...Bài viết này ngoài việc được viết trên trang cá nhân của 2 nhân viên này còn được post vào các cộng đồng mạng khác trong ngành. Ngoài ra 2 nhân viên này còn lập hẳn 1 page trên facebook có sử dụng hình ảnh các thành viên trong ban giám đốc để nói về việc quỵt lương, dùng các nick ảo để comment bịa đặt rất nhiều chuyện không đúng sự thật ==> vì vậy các thành viên trong ban giám đốc gặp rất nhiều phiền toái như: Bị người lạ gọi điện, nhắn tin chửi bới qua điện thoại. Chửi bới qua mạng xã hội...Việc này gây ảnh hưởng tới uy tín cá nhân các thành viên trong ban giám đốc và uy tín công ty rất nặng.Vậy Quý Luật sư cho em hỏi là 2 bạn nhân viên đã phạm những tội gì? có hành vi bôi xấu danh dự của cá nhân và tổ chức trên mạng xã hội với các hành vi nói trên có bị pháp luật xử lý hay không? và trình tự thủ tục để các thành viên ban giám đốc công ty và công ty em kiện 2 nhân viên này như nào?  Em mong nhận được hồi đáp tư vấn của Quý luật sư.Em xin chân thành cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Những người nhân viên cũ của công ty bạn có hành vi bịa đặt thông tin không đúng sự thật  và loan truyền trên mạng xã hội về các thành viên công ty bạn, như vậy, trong trường hợp những thông tin này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ty cua bạn thì tùy theo mức độ thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Nếu như gây thiệt hại nghiêm trọng thì đây là hành vi bịa đặt và loan truyền thông tin sai sự thật về người khác nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ. Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

“Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

…”

Những người nhân viên cũ của công ty bạn tuy biết rõ thông tin mình đăng trên mạng xã hội là sai sự thật vẫn vẫn cố tình bịa đặt và loan truyền thông tin sai sự thật đó với mục đích là để nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những thành viên ban Giám đốc công ty bạn. Các thành viên ban giám đốc công ty bạn có thể trình báo cơ quan công an cấp huyện nơi người nhân viên cũ đó cư trú kèm theo những chứng cứ chứng minh về hành vi vi phạm pháp luật của người này cũng như những chứng cứ về thiệt hại đến nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp do hành vi của người này gây ra để được can thiệp hoặc có thể gửi đơn khởi kiện người này kèm theo những chứng cứ chứng minh trên đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại và bác bỏ những thông tin sai sự thật. Nhũng người nhân viên này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả của hành vi này là gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên ban Giám đốc công ty bạn. Ngoài ra, người nhân viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại BLDS 2015:

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, ngoài việc người nhân viên công ty của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này thì người này còn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do đã xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác cũng như bị buộc phải gỡ bỏ, hủy bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm, danh dự, uy tín và công khai xin lỗi và cải chính công khai.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169