Thời giờ làm việc đối với người lao động trong công việc độc hại, nặng nhọc

Câu hỏi tư vấn: Công ty chúng tôi kinh doanh dịch vụ bốc xếp, sang tải hàng hóa bằng phương pháp thủ công. Thời gian làm việc theo quy định là 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tuy nhiên do tính chất công việc, nhiều khi xe hàng (từ Trung Quốc) sang rất muộn khiến cho công nhân bị kéo dài thời gian làm việc đến khoảng 10, 11 giờ đêm, thời gian còn lại không có hàng là thời gian chờ.

 

Những hôm xe hàng sang muộn công nhân của chúng tôi bị kéo dài thời gian làm việc nhưng chủ xe hàng vẫn chỉ trả tiền công như ngày thường (trường hợp này không được tính là làm thêm giờ bởi vì thời gian làm thực tế vẫn chỉ là khoảng 4 đến 5 tiếng, vẫn đúng quy định của pháp luật là không quá 6 tiếng đối với công việc mang tính chất nặng nhọc). Nhưng Công ty chúng tôi nhận thấy, nếu tình trạng này kéo dài, công nhân của Công ty chúng tôi phải làm việc muộn vào buổi tối thậm chí là ban đêm sẽ rất nguy hiểm và vất vả, khiến cho công nhân bị suy giảm sức khỏe và mệt mỏi khi phải làm việc vào ngày hôm sau (bởi vì công việc bốc xếp hàng hóa thủ công là công việc nặng nhọc).

 

Vậy cho tôi hỏi có quy định nào của pháp luật có thể bảo vệ cho công nhân (mà ở đây chính là người lao động) trong những trường hợp như vậy không? Rất mong nhận được sự tư vấn và trợ giúp từ quý Công ty.Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì tính chất công việc của công ty được xác định là công việc nặng nhọc. Nên theo quy định thời gian làm việc tối đa cho người lao động là 6 giờ trong 01 ngày làm việc. Cụ thể, Điều 104 Bộ luật lao động 2012:

 

Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

 

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

 

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

Nhưng do tính chất công việc của công ty thường xuyên phải kéo dài thời gian làm việc đến đêm nên người lao động vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, thời gian mà họ làm thêm thì công ty vẫn phải có trách nhiệm chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định về tính tiền lương tăng ca. Cụ thể:

 

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

 

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

 

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

 

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

 

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

 

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

 

Như vậy, ngoài việc trả tiền lương làm thêm giờ thì để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì công ty sẽ bồi dưỡng bằng hiện vật đồng thời có thể đưa ra chế độ khác để hỗ trợ ( tăng lương....) cho họ. Cụ thể, Điều 141, Bộ luật này:

 

Điều 141. Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại

 

Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Và Điều 2, thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH:

 

Điều 2. Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng

 

1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:

 

a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

 

b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

 

Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo,kiểm tra môi trường lao động).

 

2. Mức bồi dưỡng:

 

a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

 

- Mức 1: 10.000 đồng;

 

- Mức 2: 15.000 đồng;

 

- Mức 3: 20.000 đồng;

 

- Mức 4: 25.000 đồng.

 

b) Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thời giờ làm việc đối với người lao động trong công việc độc hại, nặng nhọc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169