Bỏ học đào tạo giữa chừng, giải quyết công việc như thế nào?

Em là một giảng viên trường đại học đã được 11 năm. Cách đây 3 năm nhà trường có cử em đi học lớp tiến sĩ, hiện này do việc học gặp một số trở ngại nên em không học nữa và làm đơn xin về trường tiếp tục giảng dạy. Nhưng khi về trường nhà trường không phân em đứng lớp theo đúng chuyên môn mà phân em làm công việc khác như: bảo vệ, trồng cây....


Yêu cầu tư vấn: Em là một giảng viên trường đại học đã được 11 năm. Cách đây 3 năm nhà trường có cử em đi học lớp tiến sĩ, hiện này do việc học gặp một số trở ngại nên em không học nữa và làm đơn xin về trường tiếp tục giảng dạy. Nhưng khi về trường nhà trường không phân em đứng lớp theo đúng chuyên môn mà phân em làm công việc khác như: bảo vệ, trồng cây.... Em đã không làm vì không có chuyên môn về các công việc đó. Em không làm và viết đơn xin tạm nghỉ việc không lương 1 năm nhưng ban giám hiệu yêu cầu nếu không làm thì em phải xin thôi việc chứ không có chế độ tạm nghỉ không lương (mà cách đó một thời gian nhà trường cũng đã xét cho một số giáo viên khác được nghỉ không lương). Tuần trước em đến nộp đơn xin thôi việc, nhà trường yêu cầu em phải viết cam kết " hoàn toàn chấp hành mọi hình thức bồi thường theo qui định nội bộ nhà trường và hứa không làm mất uy tín nhà trường, ảnh hưởng đến nhà trường." Vậy em xin nhờ quý ban tư vấn giúp em cách giải quyết như vậy có đúng không và em phải có phải bồi thường những khoản phí nào không ạ??? Em rất mong nhận được ý kiến phúc đáp tư vấn từ quý ban. Em xin chân thành cảm ơn và hậu tạ!!!
 
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
 
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật lao động năm 2012 về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
 
Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
 
1.Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
 
2.Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
 
3.Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc
 
4.Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này
 
5.Các trường hợp do hai bên thỏa thuận.
 
Cơ quan của bạn không cho phép bạn được tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc nên thỏa thuận không thành và bạn không được tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc
 
Do bạn không trình bày rõ cho chúng tôi là bạn là viên chức hay chỉ là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Vì thế, chúng tôi sẽ dẫn chiếu luật viên chức ( nếu bạn là viên chức) và bộ luật lao động ( nếu bạn là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động)
 
Trước hết, về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
 
- Nếu bạn là viên chức thì theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 31 Luật viên chức năm 2010 thì “ Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó”. Nếu không được bố trí làm việc hợp lý,  bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 4 hoặc Điểm a, Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức năm 2010
 
- Nếu bạn làm việc theo hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động có quyền chuyển bạn làm công việc khác (do việc bạn chấm dứt đào tạo giữa chừng nên không thể sắp xếp công việc cũ mà đang có người đảm nhiệm) theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012.
 
Việc điều chuyển công việc mới không được quá 60 ngày và được hưởng tiền lương công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc ( tức được hưởng một tháng tiền lương cũ), tiền lương công việc mới không được thấp hơn 85% tiền lương công việc cũ.
 
Nếu sau 60 ngày, mà bạn vẫn không được sắp xếp công việc trở lại thì bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm a, Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012.
 
Về vấn đề bồi thường: Trước hết phải xem xét xem trong hợp đồng đào tạo ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của Điều 62 Bộ luật lao động về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo. Nếu không có hợp đồng đào tạo nghề thì có thể giải quyết theo hướng sau theo quy định của pháp luật:
 
- Đối với trường hợp bạn là viên chức: bạn phải đền bù chi phí đào tạo khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tự ý bỏ việc theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật viên chức 2010: “Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ” và quy định tại Khoản 4 Điều 36 – Nghị định 29/2012/NĐ-CP Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đào tạo và đền bù chi phí đào tạo

4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;"
 
- Đối với trường hợp bạn làm việc theo hợp đồng lao động thì bạn phải hoàn trả chi phí đào tạo, bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và nếu còn vi phạm quy định về thời hạn báo trước bạn còn phải bồi thường (Điều 43 Bộ luật lao động) nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tức đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động.
 
Nhưng trên thực tế, pháp luật cũng không cấm trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật là người sử dụng lao động không được quyền yêu cầu người lao động chi trả lại chi phí đào tạo. Do đó, trong trường hợp nào khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bạn đều có thể bị yêu cầu hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bỏ học đào tạo giữa chừng, giải quyết công việc như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Hoài Anh – Công ty Luật Minhh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169