Bị thông báo chấm dứt HĐLĐ không có lý do, làm thế nào?
1. Quy định pháp luật về chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động có thể do ý chí của hai bên trong quan hệ lao động, do sự kiện pháp lý phát sinh, do ý chí của một bên chủ thể trong quan hệ lao động. Việc người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do thuộc trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều 39 Bộ luật lao động 2019 quy định thì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các Điều 35, 36, 37 của Bộ luật lao động 2019. Cụ thể Điều 36 quy định người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau:
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.
...
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.”
Như vậy, người sử dụng chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong các trường hợp nêu trên. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do là trái pháp luật.
Căn cứ Điều 41 Bộ luật lao động 2019 quy định thì người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật phải có nghĩa vụ sau:
“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”
Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động mà không có lý do thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu người lao động không muốn trở lại làm việc thì người lao động còn được trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.
Khi bị chấm dứt hợp đồng trái luật, người lao động có thể làm đơn nhờ sự can thiệp của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu như sự tham gia của Công đoàn không có hiệu quả người lao động có thể làm đơn khởi kiện người sử dụng lao động ra Tòa án nơi doanh nghiệp hoạt động để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình.
2. Tư vấn về đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật
Câu hỏi tư vấn: Tôi làm cho cty của Nhật. Công việc phải đi các nhà máy kiểm soát chất lượng. Sau đợt nghỉ vì dịch bệnh, tôi đang mong chờ được trở lại làm việc, bất ngờ 6/10 vừa qua tôi được thông báo công ty sẽ chấm dứt HĐLĐ với tôi mà không có lý do (xin nói rõ tôi luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu mà cty yêu cầu và luôn hoàn thành tốt công việc của mình); 2 ngày sau đó (8/10), công ty gửi cho tôi 2 văn bản bảo xem xét và ký vào. Trong đó tờ quyết định họ viết "căn cứ vào đề nghị thôi việc của bà V..." Thực tế tôi không xin nghỉ vì vậy không có đơn từ gì của tôi cả. Và ngày thôi việc từ 01/10/2021. Tiếp theo trong "Thoả thuận chấm dứt HĐLĐ và quan hệ lao động" họ viết "thoả thuận này được lập ngày 30/9/2021" là không đúng. Xin Luật sư cho biết như vậy có phải công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật không? Và tôi sẽ được những quyền lợi gì trong trường hợp này? Trân trọng cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng, gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới Luật Minh Gia, với yêu cầu tư vấn của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
...
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”
Như vậy, hợp đồng lao động sẽ chấm dứt khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động...
Trong trường hợp của bạn, theo thông tin mà bạn cung cấp, công ty gửi tờ quyết định họ viết "căn cứ vào đề nghị thôi việc của bà V..." và trong "Thoả thuận chấm dứt HĐLĐ và quan hệ lao động" họ viết thoả thuận này được lập ngày 30/9/2021 mà thực tế bạn không xin nghỉ, mà bạn cũng không có thỏa thuận gì về việc chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Bạn luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu mà công ty yêu cầu và luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Như vậy là công ty đang tự tạo một lý do không có thật để chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Do đó, có thể xác định công ty đang đơn phương chấm dứt lao động trái luật với bạn.
Trong trường hợp của bạn, Các quyền lợi mà bạn được hưởng khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật được thể hiện tại Điều 41 Bộ luật lao động 2019 như sau:
“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”
Như vậy, khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bạn được chi trả các quyền lợi sau:
Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu bạn không muốn trở lại làm việc thì bạn có thể được thêm hưởng trợ cấp thôi việc.
Nếu công ty không muốn nhận bạn lại làm việc thì ngoài các chi trả nêu trên thì công ty phải bồi thường thêm cho bạn 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất