LS Ngọc Anh

Bị nghi ngờ là trộm cắp tài sản có bị phạt, ở tù hay không?

luật sư tư vấn về việc hai vợ chồng sang nhà người quen chơi, sau khi về, nhà họ hàng mất tiền, nghi ngờ hai vợ chồng lấy tiền và báo công an

Thưa luật sư, lần đó tôi và chồng tôi có đi ăn sáng. Bỗng nhận được cuộc điện thoại của cậu tôi nói rằng chồng của dì tôi điện thoại kêu ghé nhà dì tôi. Vợ chồng tôi có ghé nhưng dì tôi nói là không có kêu vợ chồng tôi ghé nên vợ chồng tôi ở lại nhà dì tôi chơi. Trong lúc đó e trai tôi là con của cậu tôi đói bụng nên chồng tôi và cháu chồng của dì tôi đi mua sữa. Dì tôi nói là ở nhà chơi để dì tôi qua nhà chồng của dì tôi gần đó xin bánh về ăn. Khi chồng tôi đi mua sữa về đến thì dì tôi có bế em trai là con cậu tôi đi xin bánh về kêu cháu chồng dì tôi cầm về đưa vợ chồng tôi. Lúc đó chồng tôi muốn đi vệ sinh, tôi nói đi vô nhà dì tạm đi rồi về. Chồng tôi vào nhà vệ sinh rồi tôi qua nhà chồng của dì tôi nói dì tôi bế em trai về cho nó ngủ. Tôi bế em trai về lại nhà dì tôi và chồng tôi đi vệ sinh xong. Vợ chồng tôi về nhà của tôi. Khoảng 1 tiếng sau dì tôi về nhà tôi và tự dưng kiểm tra ví tiền và phòng của vợ chồng tôi. Lúc sau, dì tôi gọi gia đình có cả ba mẹ và ông bà ngoại nói chuyện. Dì tôi nói đã bị mất số tiền 4 triệu 200 ngàn và nói vợ chồng tôi lấy. Tôi không hề biết số tiền đó ở đâu bao nhiêu, chồng tôi cũng vậy, khi đi vệ sinh cũng đi vòng cửa sau. Dì tôi lời qua tiếng lại có phỉ báng và sỉ nhục vợ chồng và ba mẹ tôi, một mực khẳng định vợ chồng tôi lấy. Dì tôi đã báo công an. Vì chồng của dì tôi là cháu của chủ tịch xã và có quen biết với ủy ban huyện.

Xin hỏi trong trường họp này, Chúng tôi có thể bị phạt hay ở tù không?

 

Trả lời tư vấn: cảm ơn bạn đã gửi nội dung câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật hình sự, một người chỉ phải chịu hình phạt khi người đó là xâm phạm đến những lợi ích hợp pháp mà pháp luật hình sự bảo vệ.

 

Tội phạm theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 là :”Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..”

 

Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 4 yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi.

 

Trong trường hợp của vợ chồng bạn, dì bạn nghi ngờ vợ chồng bạn lấy số tiền là 4 triệu 200 ngàn và đã báo công an. Vì trách nhiệm điều tra và bắt tội phạm thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên chỉ khi cơ quan điều tra chứng minh được hành vi của vợ chồng bạn là tội phạm, có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật kết luận vợ chồng bạn là tội phạm thì hai bạn mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Dì bạn đã nghi ngờ vợ chồng bạn và đã báo công an về tội trộm cắp tài sản. Tội trộm cắp tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 173 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

 

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại....”.

 

Tài sản được xác định là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Về mặt vật lý, tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản, có thể nhìn thấy được và dịch chuyển được, có giá trị trên 2.000.000 đồng được xác định bao gồm:

 

- Là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

 

- Là tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản.

 

- Là tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng.

 

- Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp. Ví dụ như: Tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…

 

Ngoài ra, còn có những loại tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng vẫn thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản, bao gồm:

 

- Những loại tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình.

 

- Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

 

Đối tượng của tội trộm cắp tài sản ở đây là số tiền trị giá 4 triệu 200 ngàn đồng, là tài sản có giá trị và hợp pháp của dì bạn.

 

Về mục đích chiếm đoạt tài sản: Đây là yếu tố cấu thành bắt buộc trong tội trộm cắp tài sản. Chiếm đoạt hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tất cả các quan điểm đều có nội dung cho rằng “Chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp – có thể là là dịch chuyển về mặt pháp lý, có thể là về mặt thực tế, trong đó người chiếm đoạt đã sử dụng biện pháp, phương thức không được pháp luật cho phép tước bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp của người đó”. Theo như khái niệm trên thì mọi hành vi dịch chuyển tài sản bất hợp pháp đều phạm tội trộm cắp tài sản. Với những loại tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản tuy nhiên người thực hiện hành vi đó không có mục đích chiếm đoạt thì người đó không phạm tội. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án trộm cắp tài sản việc xác định mục đích chiếm đoạt là vô cùng quan trọng nhằm xác định đúng hành vi phạm tội trộm cắp tài sản.

 

Trường hợp của bạn, hai vợ chồng bạn phải chứng minh rằng hai bạn không có mục đích chiếm đoạt tài sản của dì bạn. Việc xử phạt hành chính hay bị phạt tù còn tuỳ thuộc vào bản án, quyết định của Toà án về mức hình phạt mà vợ chồng bạn phải chịu (nếu bản án, quyết định của Toà án kết luận hai bạn là tội phạm). Tuy nhiên, căn cứ vào khung hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 thì nếu bị kết tội, vợ chồng bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Khánh Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169