Bị lừa mua hàng không giấy tờ xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hàng hóa không giấy tờ chứng minh nguồn gốc là gì?
Hàng hóa không giấy tờ chứng minh nguồn gốc là hàng hóa khi lưu thông trên thị trường mà không có các giấy tờ, tài liệu thông tin về nơi sản xuất hoặc nơi chế biến, gia công. Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ còn có thể được hiểu là những hàng hóa không xác định được quốc gia, nhóm quốc gia hay vùng lãnh thổ nào sản xuất hoặc tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:
“13. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”.
2. Bị lừa mua hàng hóa không giấy tờ xử lý thế nào?
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi giúp người chú. Sáng ngày hôm nay có hai người tự xưng là nhân viên hãng di động đến nhà chú tôi bán dây điện. Họ đi bằng ô tô. Họ đưa cho 1 cuộn dây vàng sau đó là tặng 1 cuộn dây đen giá là 38 nghìn/1m, 1 cuộn khoảng 100m. Sau họ gã gẫm tiếp 1 cuộn vàng và tặng 1 cuộn đen nữa.Tính 6.000.000 vnđ. Buổi chiều chú tôi mới nghĩ ra là đã bị lừa vì giá đã bán đắt hơn ngoài thị trường, lại còn không có hoá đơn nguồn gốc hàng hóa.
Nên chú tôi cũng sợ đó là hàng ăn cắp. Tôi muốn hỏi các luật sư tư vấn có nên báo công an để họ điều tra và thông báo trên thông tin đại chúng để người dân phòng tránh. Mong mail trả lời của các luật sư, chúc các luật sư có ngày làm việc vui vẻ!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
- Xử lý vi phạm hành chính: Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
“Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”.
Như vậy, theo quy định trên, căn cứ vào giá trị của hàng hóa vi phạm mà hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có mức xử phạt khác nhau. Ngoài mức xử phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung các chế tài như tịch thu tang vật, phương tiện và buộc thực hiện các biện pháp khác phục hậu quả như tiêu hủy tang vật, nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp.
- Xử lý hình sự: Trong trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn góc xuất xứ mà còn có dấu hiệu của hành vi mang tính chất lừa dối khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức,
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
…”
Như vậy, tùy từng tính chất, mức độ của hành vi mua bán hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn góc xuất xứ mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau. Do đó, việc kinh doanh hàng hóa trên thị trường cần phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chú bạn có thể làm đơn trình báo gửi đến Công an cấp xã nơi cư trú. Đơn trình báo của bạn sẽ được xác minh, làm rõ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đơn trình báo, chú bạn tường trình rõ sự việc xảy ra và có thể yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự. Nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra và tiến hành các hoạt động pháp lý cần thiết để giải quyết vụ việc.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất