Nguyễn Thị Thùy Dương

Bị lừa chuyển tiền qua Zalo, Facebook làm thế nào để lấy lại?

Song song với sự phát triển của internet, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, nhất là Zalo, Facebook cũng ngày càng gia tăng với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, thay đổi liên tục mà khó có thể phát giác.

1. Các hình thức lừa đảo qua Zalo, Facebook phổ biến hiện nay 

Zalo, Facebook là những nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay. Những ứng dụng này cho phép người dùng có thể tương tác với nhau thông qua tin nhắn, gọi điện, chia sẻ hình ảnh, video và rất nhiều tính năng tiện dụng khác. 

Bên cạnh đó, một số đối tượng lại lợi dụng chính những nền tảng mạng xã hội này để thực hiện những thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dùng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo phổ biến qua Zalo, Facebook hiện nay: 

1.1. Lừa đảo chuyển khoản qua Zalo, Facebook

Đối với thủ đoạn này, các đối tượng thường cung cấp những thông tin giả mạo về nhân thân, phương thức kinh doanh, … để tạo dựng sự tin tưởng từ phía người dân từ đó dụ mọi người chuyển khoản thực hiện giao dịch nhưng sau khi nhận được tiền thì cắt đứt liên lạc, chặn mọi ứng dụng, số điện thoại liên hệ.

Những hình thức phổ biến như: 

- Giả mạo làm nhân viên ngân hàng thông báo về việc tài khoản bị khóa và yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP để mở khóa tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản;

- Giả mạo công an, cán bộ, công chức Nhà nước thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu nộp phạt; 

- Giả mạo các doanh nghiệp để gọi điện thông báo khách hàng đã trúng phần quà từ doanh nghiệp và yêu cầu chuyển khoản (có thể là tiền thuế, tiền phí vận chuyển, tiền cọc, …) để nhận quà. 

1.2. Lừa đảo vay tiền qua Zalo, Facebook

Trái với việc vay tiền tại các ngân hàng phải xuất trình các loại giấy tờ nhân thân, chứng minh tài chính, và hàng loạt những thủ tục phức tạp khác thì việc vay tiền của Facebook, Zalo lại được thực hiện vô cùng nhanh chóng và dễ dàng. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra những thông tin hấp dẫn về lãi suất vay thấp, thậm chí là lãi suất 0% hay chỉ cần CMND/CCCD là có thể vay được một khoản tiền lớn, …

Tuy nhiên, sau khi thực hiện thủ tục, các đối tượng này lại yêu cầu người vay phải chuyển một số tiền đặt cọc, lệ phí để rút tiền về tài khoản, hoặc khoản tiền để khắc phục lỗi hệ thống, chỉnh sửa thông tin sai lệch, chứng minh khả năng tài chính, … và hàng loạt những lý do khác để dụ dỗ người dân chuyển tiền hết lần này đến lần khác, số tiền lần sau lại cao hơn số tiền lần trước nhưng cuối cùng vẫn không nhận được khoản tiền vay. 

1.3. Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài

Thông qua Zalo, Facebook, tất cả người dùng đều có thể kết bạn, trò chuyện và tương tác với nhau. Lợi dụng điểm này, các đối tượng lừa đảo sử dụng những tài khoản Zalo, Facebook ảo mạo danh người nước ngoài để tiếp cận “con mồi” thông qua việc kết bạn, nhắn tin, gọi điện, … để xây dựng niềm tin. Sau đó, các đối tượng này sẽ ngỏ ý muốn tặng quà nhờ nhận giúp bưu phẩm gửi về Việt Nam với giá nhiều món đồ giá trị như: hàng hiệu, tiền mặt, trang sức, giấy tờ về tài sản, … Thậm chí, để cho mọi người tin tưởng một cách tuyệt đối, các đối tượng này còn chụp hình ảnh hàng hóa, hóa đơn gửi bưu phẩm, video về quá trình gửi bưu phẩm, … Khi mọi người đồng ý nhận quà, bưu phẩm, những đối tượng này sẽ giả danh nhân viên đơn vị vận chuyển yêu cầu nộp phí vận chuyển rất cao mới có thể lấy được bưu phẩm, hoặc chúng sẽ mạo danh cán bộ hải quan yêu cầu mọi người nộp tiền phạt vi phạm vì phát hiện trong bưu phẩm có chứa tiền và trang sức kim loại quý, … Cũng tương tự như các hình thức lừa đảo bên trên, số tiền sẽ không chỉ dừng lại ở một lần chuyển mà chúng sẽ yêu cầu mọi người chuyển tiền rất nhiều lần, số tiền lần sau cao hơn lần trước và cuối cùng là cắt đứt mọi liên lạc. 

1.4. Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online

Đây là một trong những hình thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay. Những thông tin tuyển dụng cộng tác viên online với phương châm “việc nhẹ - lương cao” tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đối với phương thức này, chúng sẽ yêu cầu người dùng cần chuyển trước một số tiền để tạo tài khoản làm việc, để mua hàng nhận hoa hồng, … Với lần đầu tiên, chúng sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền gốc và tiền lãi để tạo sự tin tưởng. 

Tuy nhiên, đến lần thứ hai trở đi, việc rút tiền sẽ không thể thực hiện được vì hệ thống báo lỗi và liên tục yêu cầu người dùng phải tiếp tục chuyển tiền để khắc phục sự cố và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó. 

Như vậy, bên cạnh những tiện ích mà Zalo, Facebook cũng như những trang mạng xã hội khác mang lại thì đây cũng là “môi trường béo bở” để các đối tượng lừa đảo lợi dụng để chiếm đoạt tiền của người dùng. Do đó, khi sử dụng mạng xã hội, mọi người cần phải nâng cao cảnh giác để không “sập bẫy” của những đối tượng này. 

2. Bị lừa chuyển tiền qua Zalo, Facebook làm thế nào để lấy lại?

Theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, Facebook là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Do đó, khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng nói chung và bị lừa chuyển tiền qua Zalo, Facebook nói riêng, trước hết, mọi người cần bình tĩnh lưu lại tất cả những bằng chứng liên quan đến đối tượng như: tin nhắn trao đổi, thông tin giao dịch, thông tin về tài khoản chuyển tiền, … và thông báo với ngân hàng.

Sau đó, mọi người có thể đến trực tiếp hoặc làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an để trình báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. 

Đồng thời, mọi người nên giao nộp tất cả những bằng chứng, thông tin mà mình có được hoặc biết được về đối tượng lừa đảo để cơ quan điều tra nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh hành vi vi phạm, danh tính đối tượng lừa đảo và yêu cầu các đối tượng này trả lại số tiền đã chiếm đoạt. 

3. Cách thức thực hiện trình báo, tố giác hành vi lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, Facebook

Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), mọi người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua dịch vụ bưu chính, điện thoại, phương tiện thông tin khác để trình báo, tố giác hành vi lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, Facebook với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau: 

- Đối với phương thức trực tiếp: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; 

- Đối với phương thức gián tiếp: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền ghi vào sổ tiếp nhận theo quy định. 

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì có trách nhiệm chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. 

Như vậy, khi không may bị lừa đảo chuyển tiền qua Zalo, Facebook, mọi người nên trình báo trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, thông thường là Cơ quan điều tra - Công an cấp huyện nơi mình đang cư trú để cán bộ điều tra xem xét vụ việc và xác minh các thông tin, kết hợp làm việc với phía ngân hàng lấy lại số tiền mà mọi người đã bị lừa. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn