Bị lừa chuyển tiền qua tài khoản có lấy lại được không?
1. Một số cách thức lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng
Vấn đề “bị lừa chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng” là một vấn đề thường gặp trong cuộc sống hiện nay, diễn ra ở nhiều lĩnh vực và liên quan đến nhiều vấn đề pháp luật như hành chính, hình sự, dân sự. Nó tác động và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng từ thanh niên, người trung niên đến người già qua những thủ đoạn tinh vi.
Việc bị lừa tiền qua tài khoản ngân hàng được thực hiện qua những hinh thức sau:
- Giả mạo làm nhân viên ngân hàng
Đây được xem là chiêu thức mà nhóm tội phạm sử dụng nhiều nhất. Việc mà chúng tự xưng mình là nhân viên ngân hàng, liên hệ với bạn để thông bảo rằng bạn có 1 khoản tiền nào đấy trên hệ thống cần xác nhận. Nếu bạn muốn nhận tiền, hãy cung cấp số chứng minh nhân dân và mã OTP để bên ngân hàng có thể hoàn tất thủ tục.
- Giả mạo làm cơ quan chức năng
Nhóm đối tượng lừa đảo giả làm cơ quan chức năng sẽ tự xưng là cơ quan công an và báo rằng tài khoản của bạn đang bị tội phạm xâm nhập trái phép. Bạn cần phải cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP để cán bộ có thể điều tra và xử lý.
- Giả mạo làm bạn bè, người thân
Nhóm đối tượng này sẽ tạo tài khoản Facebook giả mạo hoặc hack tài khoản Facebook của bạn bè, người thân của bạn. Sau đó chúng sẽ liên hệ và nhờ bạn nhận hộ tiền được gửi từ nước ngoài. Nếu bạn không đề phòng mà làm theo thì sau khi click vào link này, bạn sẽ mất hết dữ liệu cá nhân cũng như khoản tiền hiện có trong tài khoản.
- Lừa đảo qua hình thức nhận quà, trúng thưởng
Thông qua các tin nhắn, email, hoặc các trang web giả mạo, họ tạo ra những cuộc thi trúng thưởng không có thật với mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân hay lừa đảo tiền bạc. Đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra yêu cầu nạn nhân thực hiện chuyển khoản tiền để hoàn tất quy trình nhận thưởng. Sau khi nhận được tiền, đối phương tìm mọi cách để chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đã được chuyển.
- Lừa đảo qua hình thức vay tiền online
Nạn nhân được hứa hẹn một khoản vay từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng chỉ cần cung cấp CMND/CCCD và số điện thoại. Sau khi hoàn tất các bước hướng dẫn, đối tượng yêu cầu người vay tiền chuyển khoản tiền phí, bao gồm các loại phí như phí làm hồ sơ, phí hỗ trợ, phí bảo hiểm tiền gửi… và tìm mọi cách thuyết phục người vay chuyển tiền cho họ để giữ cho khoản vay được duyệt.
2. Bị lừa tiền qua tài khoản ngân hàng có lấy lại được không?
Ngay sau khi chuyển tiền liền phát hiện việc mình bị lừa, bạn cần gọi điện tới tổng đài ngân hàng để thông báo chuyển nhầm. Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, phía ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa tài khoản để xác minh. Đồng thời, bạn cần phải tố giác ngay với cơ quan công an về hành vi lừa đảo.
Sau đó, bạn cần đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Ngoài việc bị truy cứu hình sự buộc phải hoàn trả lại tài sản cho người bị hại mà bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có trách nhiệm, bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Vì vậy nếu như bạn có thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do chúng gây ra thì hãy trình báo với cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời.
3. Cách lấy lại tiền bị lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Thông tư 23/2010/TT-NHNN như sau:
“Điều 36. Xử lý sai sót tại đơn vị nhận lệnh
4. Điều chỉnh các sai sót khác
Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng (Lệnh thanh toán chuyển đúng đơn vị nhận lệnh nhưng không có người nhận lệnh hoặc người nhận lệnh mở tài khoản ở Ngân hàng khác), sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau:
a) Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp;
b) Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này.”
Như vậy, khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng, bạn nên thông báo về việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác cho Ngân hàng. Ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa số tiền vừa gửi vào tài khoản của bên bị lừa để tiến hành xác minh xem có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót gì không. Việc này sẽ giúp người bị lừa đảo kéo dài được thời gian, đồng thời đối tượng lừa đảo có thể sẽ tạm thời chưa thể chiếm đoạt được số tiền của bạn.
Đồng thời, bạn hãy tố giác đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì việc lừa đảo qua hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các dấu hiệu sau đây:
- Có hành vi sử dụng những thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
- Tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; hoặc đã bị kết án về 1 trong số các tội như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội cưỡng đoạt tài sản, Tội cướp giật tài sản, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, Tội trộm cắp tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc việc chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng xấu đến anh ninh, trật tự, anh toàn xã hội; hoặc tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Qua đó, để thực hiện việc tố giác tội phạm để lấy lại tiền bị lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng bạn phải cung cấp đủ các bằng chứng, chứng cứ, tài liệu, tang vật vật chứng có liên quan đến sự việc này cho cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của bạn, cơ quan chức năng sẽ đánh giá và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Trong quá trình điều tra, thời gian để có thể truy cứu lấy lại số tiền lừa đảo có thể phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trên thực tế, không phải người nào bị hại cũng biết rõ các cách thức để đòi lại tiền. Và việc trả lại tiền cho người bị hại không phải lúc nào cũng đảm bảo mà còn phải phụ thuộc vào khả năng của cơ quan điều tra và hệ thống pháp luật của từng quốc gia. Vì vậy, khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người sở hữu tài sản phải đề cao cảnh giác và sáng suốt để tránh bị lừa gạt. Nếu trong trường hợp bị lừa đảo, quan trọng nhất là thông báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền và ngân hàng để bắt đầu quá trình điều tra và khôi phục số tiền mất càng sớm càng tốt.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất