Bị hàng xóm gây thương tích và đốt nhà phải làm sao?
Xin Luật sư cho tôi hỏi: Chú tôi bị ông hàng xóm đánh vỡ xương trán, và bị thương ở đầu, khâu 16 mũi quanh đầu, một bên mắt bị rách giác mạc không nhìn thấy (Hiện tại mới có kết quả sơ bộ như vậy). Ông hàng xóm bị công an phường bắt giữ từ thời điểm bắt là 11h trưa, đến 4 giờ chiều lại được thả ra, sau đó 9 giờ tối ông ấy lại tẩm dầu sang nhà chú tôi và đốt nhà, may có hàng xòm phát hiện ra và đã kịp thời dập tắt? Vậy ông ấy sẽ bị hình phát như nào? người bảo hộ cho ông ấy về có bị xử lý trách nhiệm không? Gia đình ông ý đang có ý định chạy giám định tâm thần cho ông ấy, trong khi bình thường ông ấy không có biểu hiện tâm thần? Vậy xin luật sư tư vấn cho gia đình chúng tôi xem chúng tôi phải làm gì? Xin chân thành cám ơn !
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy người hàng xóm của chú bạn có hành vi gây thương tích cho chú bạn do đó hành vi của người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
…”
Như vậy, nếu người hàng xóm này gây thương tích cho chú bạn với tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 ĐIều 134 đã nêu trên thì có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hàng xóm này. Nếu thuộc khoản 1 Điều 134 đã nêu trên thì hành vi của người này có thể bị truy cứu với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Với hành vi tẩm dầu để đốt nhà chú bạn của người hàng xóm cần phải xác định mục đích cụ thể của hành vi này để xác định hình phạt cụ thể. Nếu mục đích của người này là cố ý nhằm hủy hoại tài sản của gia đình chú bạn thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
…”
Trong trường hợp này người hàng xóm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm như chúng tôi đã nêu trên.
Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự cho phép các thân nhân của người phạm tội được quyền bảo lĩnh cho người thân của mình được tại ngoại trong quá trình điều tra, xác minh tội phạm nếu người bảo lĩnh đáp ứng được các điều kiện về bảo lĩnh theo quy định của pháp luật. Nếu người được bảo lãnh vi phạm cam kết với cơ quan có thẩm quyền thì khi đó người bảo lãnh mới phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền về hành vi này.
Nếu như gia đình bên kia chạy giấy tờ tâm thần thì bạn có thể tố cáo với cơ quan công an về hành vi làm giấy tờ giả và yêu cầu cơ quan công an giám định lại.
Trân trọng !
CV tư vấn: Châm Anh - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất