Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bị đuổi việc có thể nhận lương tháng trước được không?

Trên thực tế, không ít trường hợp các công ty đuổi việc - đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà không có lý do. Khi gặp tình huống này, đa phần người lao động đều không biết phải ứng xử như thế nào để bảo vệ quyền lợi của bản thân, một phần nguyên nhân đến từ việc họ chưa hiểu rõ các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động.

1. Tư vấn: Bị đuổi việc có thể nhận lương tháng trước được không?

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư, tôi muốn hỏi về luật lao động, nội dung như sau: Tôi sinh năm 1991 hiện nay đang làm bảo vệ tại công ty, nhưng tôi có đọc qua cam kết là chỉ làm việc 12 giờ trong 1 ngày, tôi làm được 1 tháng , do công ty yêu cầu tôi tăng ca tôi không đồng ý nên bị đuổi việc. Vậy cho tôi hỏi tôi có được quyền nhận lương tháng trước không ? Tôi xin cảm ơn luật sư. 

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề mà bạn quan tâm, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì công ty chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi có một trong những căn cứ được liệt kê tại điều luật này. Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ công ty cần báo trước cho người lao động một khoảng thời gian hợp lý theo quy định. 

Trong khi đó, dựa trên thông tin bạn cung cấp, công ty cho bạn thôi việc vì lý do bạn không đồng ý tăng ca, lý do mà công ty đưa ra không thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Không chỉ vậy, công ty cũng không tuân thủ thời hạn báo trước chi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bạn. 

Vì vậy, việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn là trái luật. Căn cứ quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, công ty có trách nhiệm sau đây khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật: 

“Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, công ty không những phải chi trả tiền lương (của tháng mà bạn đã làm việc) mà còn phải trả tiền lương tương ứng với theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước (45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng) và những khoản bồi thường, phụ cấp, trợ cấp khác tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định nêu trên. 

Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Ban Lãnh đạo công ty để yêu cầu công ty thanh toán tiền lương và những khoản tiền khác (nêu trên). Trường hợp công ty không tiếp nhận giải quyết khiếu nại, bạn có thể khiếu nại lần 2 đến Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính. 

2. Tư vấn: Khởi kiện công đơn phương chấm dứt HĐ trái luật khi không có quyết định nghỉ việc?

Câu hỏi tư vấn: Hợp đồng lao động của em đến tháng 7/2024 mới hết hạn. Tuy nhiên tháng 12/2023 đột nhiên công ty đang làm cho em nghỉ việc không có lý do, hướng  giải quyết của công ty là trả cho em đủ lương và đóng bảo hiểm cho em tháng 12 sau đó sẽ không bồi thường thêm bất kỳ một khoản nào nữa. Em rất muốn kiện công ty về  việc phá hợp đồng nhưng em không có quyết định nghỉ việc chỉ có hợp  đồng lao động (em đòi quyết định nghỉ việc nhưng công ty không cho). Em muốn hỏi các a chị em mang hợp đồng đi kiện được không ạ? Trân trọng!

Nội dung tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Theo thông tin bạn cung cấp, khi HĐLĐ chưa hết hạn nhưng công ty đã cho chị nghỉ việc mà không có lý do. Đối chiếu theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị là trái luật. 

Do đó, công ty có trách nhiệm chi trả tiền lương và thực hiện những nghĩa vụ khác đối với chị theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 (trích dẫn tại phần trên). Tuy nhiên, trên thực tế, công ty chỉ trả tiền lương và đóng BHXH tháng 12/2023 cho chị là chưa phù hợp với quy định này. 

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện công ty đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong vụ án dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 91 VBHN Bộ luật Tố tụng dân sự 2020 như sau: 

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

[...]

Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động”

Theo đó, khi công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật đối với bạn, bạn vẫn có quyền khởi kiện công ty đến Tòa án có thẩm quyền (Tòa án cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính) để được giải quyết. Trong đơn khởi kiện, bạn nêu rõ về việc công ty chấm dứt HĐLĐ không có lý do và không cung cấp quyết định cho thôi việc khi bạn yêu cầu. Ngoài ra, chị có thể cung cấp thêm một số những tài liệu liên quan đến việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị như: tin nhắn trao đổi, email, …

Tuy nhiên, trong trường hợp này của chị, trước khi chị khởi kiện, chị nên làm đơn khiếu nại gửi đến Ban Lãnh đạo công ty yêu cầu phía công ty giải thích về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị và thanh toán những khoản tiền lương, tiền bồi thường, …. theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động (nêu trên). Nếu công ty không tiếp nhận giải quyết khiếu nại hoặc chị không đồng ý với kết quả giải quyết thì chị khởi kiện đến Tòa án để giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ, đơn khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại của công ty (nếu có) sẽ là những nguồn chứng cứ quan trong chứng minh cho yêu cầu hợp pháp của chị khi khởi kiện tại Tòa án.  

Trân trọng!

P. Luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169