Lại Thị Nhật Lệ

Bị đồng nghiệp vu khống lấy trộm điện thoại xử lý thế nào?

Hỏi tư vấn: Tôi ở cty và có đi ra ngoài ăn trưa cùng bạn, lúc quay về đang ở ngoài đường (gần cty) thì bị một số đồng nghiệp bao vây tôi cùng với bạn tôi nói là nghi ngờ tôi lấy trộm điện thoại và đưa cho bạn của tôi đem đi. Sau đó người vu khống tôi lại tìm thấy điện thoại để quên trong phòng họp cty nhưng đồng nghiệp tôi lại tiếp tục hành động quá đáng khi tiếp tục bắt tôi lên CA phường để điều tra, tôi đồng ý đi đến CA phường cùng họ.


Sau khi gặp CA phường thì CA bảo là không có chứng cứ gì để buộc tội tôi đồng thời người vu khống tôi cũng đã tìm lại được tài sản nên không thể lập hồ sơ vụ án được (họ một mực đòi CA kiểm tra vân tay các thứ).

Chuyện có thể kết thúc ở đây nhưng người ấy lại tuyên bố là "có quyền nghi ngờ tôi và nhất định không xin lỗi", chuyện đã đến nước này tôi không thể nhịn được nữa, ngay cả CA phường họ cũng bảo tôi có quyền khởi kiện tội xúc phạm danh dự. Trường hợp này tôi có thể khởi kiện được hay không? Thời gian khởi kiện như thế nào?
 

Trả lời:Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vu khống như sau:

 

“Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”.

 

Tội vu khống được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật... Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó. Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

 

 

Như vậy, hành vi của người kia có thể cấu thành tội vu khống bởi họ có hành vi vu oan cho bạn là lấy trộm điện thoại nhưng thực tế lại không có bất kì một chứng cứ nào chứng minh bạn lấy trộm. Vụ việc trên được rất nhiều người biết, các nhân viên trong công ty và cả hai bạn cũng đã đến công an làm rõ vụ việc. Người kia một mực cho rằng bạn lấy điện thoại ngay cả khi họ đã tìm được điện thoại, yêu cầu công an kiểm tra dấu vân tay và một mực không xin lỗi, trong khi không có một căn cứ nào xác định được bạn là người lấy điện thoại. Trong trường hợp này bạn đã bị ảnh hưởng đến danh dự, uy tín trong công ty bởi rất nhiều người biết đến vụ việc trên hơn nữa cũng đã được trình báo lên công an.

 

Nếu như người đó biết rõ bạn không phải là người lấy trộm điện thoại nhưng cố tình vu oan, loan truyền, bịa đặt bạn là người lấy trộm điện thoại gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về tội vu khống.

 

Và căn cứ theo Điều 155 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

 

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

Tội vu khống là một trong những tội được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ thực hiện khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Như vậy, trong trường hợp này bạn có thể làm đơn yêu cầu khởi tố đối với hành vi vu khống đối với hành vi của người này.

 

Trân trọng!
Cv: Vũ Nga -  Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo