Bị cáo có được kháng cáo thay đổi mức án Tòa án đưa ra không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để được hưởng án treo:
Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định về án treo như sau:
“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
…”
Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo như sau:
“Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Có nhân thân tốt.
Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
…
3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
…
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
…
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”
Như vậy, nếu bạn đủ điều kiện theo các quy định đã nêu trên thì có thể xem xét được hưởng án treo.
Thứ hai, về quyền kháng cáo và thủ tục kháng cáo của bị cáo
Khoản 2 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bị cáo có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án. Bên cạnh đó, Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người có quyền kháng cáo như sau:
“1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm…”
Theo đó, anh có quyền được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa Án cấp sơ thẩm nếu xét thấy bản án không phù hợp.
Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thủ tục kháng cáo như sau:
“1. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
2. Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
3. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.”
Tóm lại, với điều kiện về nhân thân của anh và tính chất của tội phạm, anh có thể được hưởng án treo, tuy nhiên, việc kháng cáo của anh có thể được đáp ứng về hình phạt theo mong muốn bản thân hay không thì còn tùy thuộc vào quá trình xét xử Phúc thẩm sau khi kháng cáo của anh được chấp nhận.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất