Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai khi bị lấn đất

Xin chào Luật sư ! đất tôi ở là của ông bà, cha mẹ để lại với diện tích tổng cộng là 500m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 03092QSDĐ/1782/QĐ-UB ngày 21 tháng 12 năm 2002. Vào năm 2014 gia đình ông N (nhà hàng xóm) tự ý xây hàng rào phía sau nhà, tiếp giáp với mảnh đất hiện hữu của tôi ( hàng rào xây bằng gạch cao 1m phía trên dựng lưới B40 cách mái ngói nhà ông khoảng 40cm)...

 

Khi mở móng xây tường, gia đình ông  N dùng những lời lẽ hăm dọa, chửi bới dọa nạt buộc tôi phải mở móng cách tường rào của ông xây trước đó là 40cm. Sự việc này đã diễn ra xung đột cuối tháng 12 năm 2015 và tôi đã báo cáo gửi công an phường. Như vậy hình thể kích thước đất của ông  N đã thay đổi so với giấy CN-QSD đất cấp ngày 21 tháng 12 năm 2011; diện tích đất tăng lên 14.6m2. Ngược lại diện tích đất của tôi đã bị giảm đi nhiều so với giấy CN-QSD đất cấp ngày 21 tháng 12 năm 2002. Kính thưa luật sư, ngày 26 tháng 08 năm 2016 tôi có nhận được thông báo số 34/TB-CNTPQN đề ngày 19 tháng 08 năm 2016 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Quảng Ngãi về nội dung: ‘ Xác định ranh giới thửa đất số 91, tờ bản đồ số 30, phường  của hộ ông  N, thường trú tại phường X, tỉnh Quảng Ngãi’ . Trong nội dung thông báo nói : “Tình hình biến động, ranh giới thửa đất từ khi cấp giấy chứng nhận của ông N sử dụng ổn định, không có lấn chiếm, phù hợp với quy hoạch” Tôi đã có đơn khiếu nại và trình bày sự việc tường tận gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Quảng Ngãi nhưng đến nay chưa có hồi đáp -Vậy văn phòng luật cho tôi hỏi sự việc như thế thì tôi cần thực hiện thủ tục gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu đến Luật Minh Gia chúng tôi. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo như bạn đã trình bày, sự việc xung đột diễn ra vào cuối tháng 12 năm 2015 nên trường hợp của bạn áp dụng Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

 

Luật đất đai hiện hành quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hòa giải ở cơ sở, cụ thể:

 

Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định:

 

"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

 

Theo đó, gia đình ông và gia đình ông N(hàng xóm) sẽ tự mình hòa giải, nếu hòa giải không được thì có thể gửi đơn đến UBND cấp xã để hòa giải. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hòa giải cho các bên.

 

Trường hợp hòa giải thành, gia đình bạn và gia đình ông N thống nhất lại được ranh giới đất đai thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng tài nguyên và môi trường cùng cấp.

 

Theo quy định tại khoản 1, điều 203, Luật đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: “Tranh chấp đất đai  mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

 

Như vậy, cả gia đình bạn và gia đình ông N đều đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu hai bên hòa giải không thành thì bạn có thể làm đơn gửi lên tòa án nơi cư trú của bị đơn, tức là Tòa án nơi cư trú của gia đình ông N để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai khi bị lấn đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV.Trần Thảo-công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn