Lại Thị Nhật Lệ

Bạo lực học đường là gì? Hành vi BLHĐ bị xử lý thế nào?

Từ xưa đến nay thì vấn đề bạo lực học đường chưa bao giờ là vấn đề mất đi tính “thời sự” trong xã hội. Đặc biệt là hiện nay khi mà các phương tiện điện tử phát triển như vũ bão thì vấn đề bạo lực học đường đã mở rộng ra không chỉ ở phạm vi trường học nữa mà còn là trên cả các môi trường mạng xã hội khác, hành vi không chỉ dừng lại ở bạo lực thân thể mà còn là bạo lực tinh thần, tấn công trên các nền tảng mạng xã hội bằng ngôn ngữ, công kích cá nhân,…Vậy chúng ta có thể hiệu bạo lực học đường là hành vi như thế nào? Hành vi bạo lực học đường sẽ được xử lý như thế nào? Các bạn có thể tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường.

Hành vi bạo lực học đường gây nên tác hại to lớn không chỉ đối với “nạn nhân" của bạo lực học đường mà còn tạo nên những hệ lụy xấu cho chính gia đình và xã hội:

- Ảnh hưởng đến bản thân học sinh gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai

- Ảnh hưởng đến gia đình: Khiến cho không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng khi có người là nạn nhân của bạo lực học đường hoặc là người gây nên hành vi bạo lực học đường.

- Ảnh hưởng đến nhà trường : Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh của môi trường giáo dục.

- Ảnh hưởng đến xã hội: Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Giờ đây có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo. Con cái cãi lại bố mẹ. Bạn bè đánh đấm, xảy ra khá thường xuyên. Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động. làm mất trật tự xã hội.

2. Các biện pháp xử lý bạo lực học đường

- Về biện pháp xử phạt hành chính:

Căn cứ Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý”.

Với hình thức Cảnh cáo được quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. "Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”

- Về biện pháp xử lý dân sự: Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các khoản chi phí:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Ngoài ra, trong trường hợp hành vi bạo lực học đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, danh dự nhân phẩm của người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Trong trường hợp người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).

- Về biện pháp xử lý hình sự:

+ Theo Điều 12 Bộ luật hình sự thì: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Vậy những học sinh đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

+ Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: “Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;  Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm”.

Ngoài ra, cũng có thể phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự 2015: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo