Phạm Diệu

Bảo hiểm phi nhân thọ là gì theo quy định pháp luật?

Trong cuộc sống đời thường cũng như trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung luôn tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn, để hạn chế và khắc phục hậu quả khi có rủi ro xảy ra thì mọi người ngày càng quan tâm tới các loại hình bảo hiểm, do đó hoạt động bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng ngày càng phát triển.

1. Bảo hiểm phi nhân thọ là gì theo quy định pháp luật?

Tại Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ.

Từ quy định trên, bảo hiểm phi nhân thọ được hiểu là một hình thức bảo hiểm mà qua đó một bên nhân bảo hiểm cho các tài sản, trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm con người không thuộc bảo hiểm nhân thọ thông qua việc thu một khoản phí bảo hiểm và cam kết sẽ thanh toán cho bên mua bảo hiểm một khoản tiền nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra gây tổn thất về tài chính cho bên mua bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm nhất định.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của bảo hiểm phi nhân thọ là chỉ nhận bảo hiểm cho những rủi ro có thể xảy ra và gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe mà không có tính chất tiết kiệm như bảo hiểm nhân thọ. Điều đó cũng có nghĩa chỉ khi các rủi ro được bảo hiểm gây thiệt hại cho người được bảo hiểm thì mới được bồi thường, khi hết thời hạn bảo hiểm mà không có rủi ro xảy ra thì người được bảo hiểm hết quyền lợi và không được trả lại số phí bảo hiểm đã đóng.  

2. Các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ

Tùy theo các tiêu chí phân loại khác nhau mà có thể phân chia thành các sản phẩm bảo hiểm khác nhau. Có thể phân loại theo phương thức triển khai bảo hiểm và theo đối tượng bảo hiểm.

- Nếu căn cứ trên phương thức triển khai bảo hiểm thì bảo hiểm được chia thành 02 nhóm là bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc:

Bảo hiểm tự nguyện là các hoạt động bảo hiểm không mang tính ràng buộc pháp lý bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm giữa bên tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thông qua cơ chế thỏa thuận hợp đồng.

Bảo hiểm bắt buộc là những nghiệp vụ bảo hiểm mang tính chất bắt buộc được quy định bởi luật để đảm bảo phòng ngừa các rủi ro cho xã hội. Danh mục các loại bảo hiểm bắt buộc được quy định bởi các luật và các văn bản dưới luật.

- Nếu căn cứ theo đối tượng bảo hiểm thì được chia thành 03 nhóm bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm con người phi nhân thọ. Trong đó:

Bảo hiểm tài sản: Bao gồm các nghiệp vụ mà đối tượng bảo hiểm là tài sản, vật chất như bảo hiểm tàu biển, bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa .vv..

Bảo hiểm trách nhiệm: Bao gồm các nghiệp vụ mà đối tượng bảo hiểm là phần nghĩa vụ hay trách nhiệm dân sự của người tham gia bảo hiểm như bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe, chủ tàu.vv..

Bảo hiểm con người phi nhân thọ: Bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm là tính mạng, tình trạng sức khỏe của con người như bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm tai nạn hành khách .vv..

3. Vai trò của bảo hiểm phi nhân thọ

- Bảo hiểm phi nhân thọ góp phần đảm bảo ổn định đời sống, ổn định tài chính, từ đó ổn định về tinh thần cho người tham gia bảo hiểm và mang lại sự an toàn cho xã hội. Khi gặp rủi ro hay gặp tai nạn bất ngờ người tham gia bảo hiểm sẽ được bảo hiểm bồi thường hoặc trợ cấp về tài chính để nhanh chóng phục hồi hậu quả, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, bảo hiểm còn đáp ứng các nhu cầu về đảm bảo an toàn cho người tham gia bảo hiểm, đưa đến cho họ sự tin cậy, chỗ dựa về tinh thần mang lại sự yên tâm trong cuộc sống sinh hoạt và trong sản xuất kinh doanh.

- Một trong những vai trò trọng tâm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là tạo lập, quản lý quỹ tài chính đủ lớn, nhằm chủ động đối phó với những rủi ro và góp phần làm giảm tổng rủi ro cho xã hội. Từ đó tạo nên sự ổn định, có kế hoạch tài chính tương đối phù hợp với những hậu quả của các rủi ro có thể gây nên.

- Bảo hiểm phi nhân thọ góp phần ổn định chi tiêu ngân sách Nhà nước và cung cấp một số vốn tương đối lớn để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế giữa các nước, các quốc gia, dân tộc thông qua hoạt động tái bảo hiểm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo