Báo giảm lao động chậm có bị truy thu tiền đóng BHXH không?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn về đóng, truy thu bảo hiểm xã hội do bảo giảm lao động muộn
Việc thực hiện đúng các quy định về đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc luôn thu hút được sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nắm rõ các quy định, yêu cầu của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp và người lao động diễn ra ổn định, tránh trường hợp bị xử phạt do thực hiện không đúng các quy định.
Nếu bạn đang đang gặp khó khăn trong vấn đề đóng bảo hiểm xã hội mà chưa có hướng giải quyết, chưa hiểu tường tận về thủ tục bảo hiểm xã hội, hay liên hệ với Luật Minh Gia để được các luật sư có nhiều năm kinh nghiệp trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội giải thích các quy định và hướng dẫn hưởng giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức về thực hiện quy định về đóng, báo giảm bảo hiểm xã hội.
2. Tư vấn về báo giảm bảo hiểm xã hội muộn có bị truy thu BHXH không?
Câu hỏi:
Bên em có 1 lao động đã tham gia bảo hiểm trong đầu tháng 3/2018, nhưng ngày 5/3/2018 lao động đột ngột xin nghỉ việc nhưng công ty bên em chưa làm báo giảm lao động. Ngày 09/04/2018 bắt đầu báo giảm lao động (kê khai qua mạng) hồ sơ trên mạng báo ok nhưng BH không chốt sổ cho bên em mà vẫn trả về hoàn toàn lại sổ và thẻ BH. Đến ngày 6/5/2018 bên em làm lại thì hồ sơ vẫn không được chấp nhận. Vậy bên em phải làm thế nào để để báo giảm được lao động đó ? Mẫu D02/TS như thế nào mới đúng ạ? và bên em có phải truy thu BHXH không a? Rất mong có thể nhận được phản hồi của công ty.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, thủ tục báo giảm chậm bảo hiểm xã hội thực hiện như thế nào?
Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT:
“1.2. Đơn vị:
a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”
Với thủ tục báo giảm bảo hiểm xã hội cho người lao động bạn cần hoàn tất hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định trên kèm theo công văn giải trình về lý do báo giảm chậm để làm thủ tục báo giảm lao động và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu nộp hồ sơ kê khai qua mạng mà gặp lỗi thì bạn cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị tham gia để được giải quyết.
Thứ hai, công ty có bị truy thu bảo hiểm xã hội do báo chậm?
Mục 2.4 Khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
“2.4. Truy thu: là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.”
Thực tế đơn vị bạn báo giảm chậm bảo hiểm xã hội khi người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị nên không thuộc trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng hay chiếm dụng tiền đóng nên sẽ không bị truy thu , tuy nhiên vẫn phải đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, Đại lý thu:
“2. Trách nhiệm của đơn vị, Đại lý thu
2.1. Đơn vị
a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.”
Khi người lao động nghỉ việc thì đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội có trách nhiệm làm thủ tục báo giảm lao động, trường hợp của đơn vị bạn vì báo giảm chậm nên phải đóng tiền bảo hiểm y tế của các tháng báo giảm chậm.
----
3. Tự ý nghỉ việc công ty có quyền giữ sổ BHXH?
Câu hỏi:
Xin chào luatminhgia! Tôi có trường hợp cần nhờ bạn tư vấn: mẹ của tôi vì lý do gia đình nên đã nghỉ ngang việc ở một khách sạn. Tuy nhiên sau một thời gian nghỉ vẫn không thấy khách sạn trả sổ bảo hiểm cho mẹ tôi. Đến khi hỏi lại thì bên khách sạn bảo do mẹ tôi ko làm đơn xin nghỉ việc trước một tháng theo đúng luật và yêu cầu mẹ tôi phải viết đơn và đi làm trong 1 tháng nữa mới đồng ý trả lại sổ bảo hiểm. Bạn cho tôi hỏi trong trường hợp như vậy, mẹ tôi phải làm như bên khách sạn bảo hay ko, nếu bên đó vẫn ko trả sổ, tôi phải làm thế nào? Cảm ơn luatminhgia
Trả lời:
Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự cụ thể sau đây:
>> Công ty không trả sổ BHXH khi người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ:
"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".
Như vậy, trong bất kỳ trường hợp nào (kể cả đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật hay trái pháp luật) thì công ty cũng có trách nhiệm chốt sổ và trả lại sổ BHXH cho người lao động. Trường hợp công ty không trả sổ BHXH, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh - xã hội hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất