Đinh Thị Minh Nguyệt

Bằng B1 lái xe gì? Điều kiện thi bằng lái xe hạng B1?

Trong hệ thống giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay, phần lớn các phương tiện di chuyển thuộc quyền sở hữu cá nhân. Do đó, việc làm chủ phương tiện khi lưu thông trên đường phố là điều cần thiết, để làm được điều này, mỗi cá nhân cần sở hữu giấy phép lái xe do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo đó, pháp luật hiện hành đã phân hạng giấy phép lái xe theo nhiều loại khác nhau dựa trên khả năng và nhu cầu của người điều khiển phương tiện. Trong phạm vi bài viết này, Luật Minh Gia sẽ gửi đến quý bạn đọc các quy định liên quan đến bằng lái xe hạng B1.

1. Bằng B1 lái xe gì? 

Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được quy định cụ thể tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Trong đó, điều 16 Thông tư này quy định về phạm vi điều khiển đối với hạng lái xe B1 như sau: 

“Điều 16. Phân hạng giấy phép lái xe

5. Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

c) Ô tô dùng cho người khuyết tật.

6. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.”

Từ quy định trên, có thể thấy, bằng lái xe B1 gồm 2 loại: bằng B1 chuyên dùng xe số tự động và bằng B1 dùng cho cả xe số tự động và số cơ khí (số sàn). Người sở hữu bằng B1 chỉ được điều khiển các phương tiện trong phạm vi pháp luật đã quy định. Ngoài ra, một điểm đặc biệt của bằng B1 là người sở hữu sẽ không được hành nghề lái xe, điều này giúp phân biệt với bằng B2 là loại bằng cấp cho người hành nghề lái xe và được điều khiển những phương tiện tương tự như bằng B1. 

2. Điều kiện của người học lái xe bằng B1 

Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với người học lái xe. Theo đó, người học lái xe để được cấp bằng B1 lần đầu sẽ phải đáp ứng 2 điều kiện: 

Điều 7. Điều kiện đối với người học lái xe

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.”

Về độ tuổi, người học lái xe phải đảm bảo được độ tuổi tối thiểu được lái xe theo Luật giao thông đường bộ 2008 tính đến ngày dự sát hạch. Cụ thể, đối với bằng lái xe B1, người điều khiển phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có thể học và được cấp bằng, theo điểm b, khoản 1 điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008: “b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;”

Thời gian đào tạo lái xe hạng B1 được quy định với từng loại xe theo khoản 1 điều 13 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau: 

  • Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340);
  • Xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420);

Trong đó, nội dung đào tạo bao gồm phần lý thuyết (các quy định về Luật giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, kĩ năng xử lý tình huống, đạo đức, văn hóa lái xe) và phần thực hành (lái xe trong hình). Kết thúc khóa học, học viên sẽ thực hiện bài thi sát hạch dựa trên những kiến thức đã được giảng dạy.  

3. Thủ tục cấp bằng lái xe B1 

Đối với người làm thủ tục cấp bằng lần đầu phải trải qua quá trình học lái xe tại các cơ sở đào tạo, theo khoản 1 điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người học cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;
  • Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; 
  • Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
  • Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, người học lái xe phải tham gia kì thi sát hạch để làm cơ sở cấp bằng. Theo đó, hồ sơ đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu theo quy định tại khoản 1 điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bao gồm: 

“1. Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu

Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

b) Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;

c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.”

Như vậy, người học lái xe không cần phải tự mình nộp hồ sơ sát hạch mà cơ sở đào tạo sẽ thu thập giấy tờ và lập hồ sơ để gửi lên Tổng cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. 

Nếu vượt qua bài kiểm tra sát hạch, người học sẽ được cấp giấy phép lái xe theo hạng đã trúng tuyển. Cụ thể, thủ tục này thực hiện theo điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung tại khoản 5 điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT như sau: 

Điều 35. Cấp mới giấy phép lái xe

1. Người đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển; đối với trường hợp nâng hạng hoặc cấp lại do quá thời hạn sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Thông tư này phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe khi đến nhận giấy phép lái xe.

2. Căn cứ quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lái xe cho người trúng tuyển.

Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch.

3. Thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

4. Cá nhân đạt kết quả sát hạch có nhu cầu nhận giấy phép lái xe tại nhà, trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, thực hiện đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.”

Kể từ thời điểm được cấp bằng, người lái xe đã có thể điều khiển các phương tiện trong phạm vi cho phép. Ngoài ra, đối với giấy phép lái xe hạng B1, thời hạn sử dụng được quy định tại khoản 2 điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau: “2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.”

Có thể thấy, người sở hữu bằng lái B1 có thể sử dụng trong một thời gian dài và  có thời hạn lâu nhất trong số các giấy phép lái xe dành cho ô tô, là sự lựa chọn hợp lý đối với những người không hành nghề lái xe và chuyên điều khiển ô tô dưới 9 chỗ ngồi. 

Trên đây là những quy định liên quan đến giấy phép lái xe hạng B1, nếu bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm các thông tin khác có thể liên hệ đến công ty Luật Minh Gia để được tư vấn trực tiếp. Xin cảm ơn!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo