LS Vũ Thảo

Bán bảng lô đề bị xử lý như thế nào?

Kính gửi quý công ty luật Minh gia. Em có một trường hợp về hình phạt với hành vi bán bảng lô đề xin luật sư tư vấn giúp em ! Mẹ em cũng già rồi bà không lao động chân tay được nên có làm nghề thư kí ghi đề. Tối hôm kia lúc 18h ngày mùng 9 tháng 5 mẹ em đi nộp bảng đề thì bị bắt cùng với 5 người khác !

Nhưng lúc bắt giữ thì công an không thu giữ được bảng đề nào trên người mẹ em và số tiền trên người mẹ em mang theo là 2 triệu đồng cũng không thu giữ ! Em xin hỏi quý công ty là mẹ em bị giữ như vậy bao lâu nữa vẫn chưa thấy thả người mà mẹ em như vậy có bị quy tội không ! Lúc công an hỏi mẹ em có trả lời là chỉ ra đánh mấy con đề ! Em mong quý công ty tư vấn giúp em ! Em xin chân thành cảm ơn công ty !

Trả lời tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

- Thứ nhất, về thời hạn tạm giữ khi vi phạm về đánh bạc (ghi lô đề)

Theo quy định pháp luật, trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc theo quyết định truy nã thì cơ quan điều tra có quyền áp dụng biện pháp tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể:

"1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ…”

Như vậy, thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra đưa người bị giữ về trụ sở của mình, trường hợp cần thiết có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Đối chiếu với trường hợp của bạn, mẹ bạn có thể bị tạm giữ 3 ngày và tối đa 9 ngày nếu được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trong trường hợp gia hạn tạm hoãn. Trong thời gian tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố mẹ bạn thì Cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho mẹ bạn, trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do cho mẹ bạn.

- Thứ hai, về hành vi ghi lô đề, bán bảng đề bị xử lý thế nào?

Về việc mẹ bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt như thế nào sẽ phụ thuộc vào hành vi mẹ bạn thực hiện. Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn không phải là chủ ôm lô, đề nhưng lại có hành vi bán, gửi đi lô, đề đi để hưởng hoa hồng. Hành vi của mẹ bạn khi đối chiếu với những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 2, điều 26 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.”

Như vậy, mẹ bạn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt mẹ bạn thì phải có trách nhiệm chứng minh mẹ bạn có hành vi bán bảng đề cho người khác. Trường hợp người đó không chứng minh được hành vi bán bảng đề của mẹ bạn, và theo lời khai mẹ bạn chỉ ra “để đánh mấy con đề” thì hành vi này được coi là mua các số lô, số đề và mẹ bạn có thể bị xử phạt theo Khoản 1 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.”

Trường hợp mẹ bạn có hành vi đánh bạc thì còn xem xét bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật hình sự 2015.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169