Bác sĩ thôi việc phải bồi thường chi phí đào tạo trong trường hợp nào?
Đối với viên chức có thể nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc theo nguyện vọng, tuy nhiên với mỗi trường hợp chế độ của viên chức sẽ được giải quyết khác nhau phụ thuộc vào thời gian công tác, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người đó. Do đó, nếu bạn đang gặp vấn đề này và chưa biết quyền lợi của mình được hưởng như thế nào thì bạn có thể liên hệ Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.
1. Viên chức thôi việc được hưởng chế độ gì?
Hỏi: Tôi là nữ, sinh năm 1966, công tác ngành mầm non từ tháng 1/1984, đóng BHXH được 31 năm. Mức lương hiện đang được hưởng có hệ số 4,89, tôi có thời gian thâm niên 31 năm. Nay do vì sức khỏe không cho phép tiếp tục công tác. Tôi có nguyện vọng xin thôi việc từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tôi có được giải quyết không và được hưởng những chế độ như thế nào? Kính mong luật sư tư vấn giải đáp sớm. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật Minh Gia!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vân như sau:
Tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:
"4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.".
Theo quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn thì bạn đang làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, do đó nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì bạn có nghĩa vụ báo cho đơn vị biết trước ít nhất 45 ngày.
Khi nghỉ việc bạn sẽ được giải quyết chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:
"Điều 58. Trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc
1. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;
c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008;
d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
2. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.".
Như vậy, căn cứ vào quá trình làm việc của bạn thì bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc từ tháng 01/1984 đến hết tháng 12/2008 là 27 năm, tương ứng 13,5 tháng lương.
Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn cần nộp hồ sơ đến Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn, nếu bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 01/2009 đến hết tháng 12/2020 thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của bạn là 12 năm, tương ứng 12 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về bảo hiểm xã hội, với 31 năm đóng bảo hiểm xã hội và bạn nghỉ việc tại thời điểm 01/01/2021 chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu thì bạn có thể lựa chọn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chờ đủ tuổi hưởng lương hưu hoặc có nhu cầu hưởng lương hưu trước tuổi thì bạn có thể giám định sức khỏe, với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi.
2. Cách tính đền bù chi phí đào tạo
Hỏi: Xin chào, mình có đọc bài viết tư vấn bồi thường sau khi nghỉ việc xin nhờ bạn làm rõ hơn trường hợp của mình, cụ thể như sau: Mình làm việc tại 1 bệnh viện công, được cử đi học sau đại học 2 năm với tổng học phí 19 triệu, mình có ký cam kết phục vụ gấp 3 lần thời gian đi học, trong thời gian học bệnh viện vẫn trả lương hệ số 2.67 + tiền ABC theo Nghị định 43 (số tiền X, thay đổi hằng tháng). Mình về và đã phục vụ được 2 năm 9 tháng thì mình xin nghỉ việc. Vậy xin hỏi tính đền bù cho bệnh viện như thế nào? Chi phí đền bù có bao gồm tiền lương và ABC hay chỉ tính trên tổng học phí mình đã đóng. Rất mong bạn giải đáp hộ mình! Chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, bạn là viên chức hay người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại bệnh viện nên chúng tôi chia thành 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Bạn là viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc
Tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP có quy định về các trường hợp đền bù chi phí đào tạo như sau:
"Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.".
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn có cam kết phục vụ gấp 03 lần thời gian đào tạo là 06 năm, tuy nhiên tại thời điểm bạn nghỉ việc bạn mới phục vụ được 02 năm 09 tháng, do đó bạn thuộc trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo khi nghỉ việc.
Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về cách tính chi phí đền bù như sau:
"Điều 8. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù
1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
2. Cách tính chi phí đền bù:
a) Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;
b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = F/T1 x (T1-T2)
Trong đó:
- S là chi phí đền bù;
- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.".
Theo quy định nêu trên thì chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Áp dụng cách tính theo công thức trên thì mức đền bù chi phí đào tạo của bạn được xác định là: 19/72 x (72-33) = 10,3 (triệu).
Trường hợp 2: Bạn là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động
Đối với trường hợp bạn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì chi phí đào tạo được quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động 2012 như sau:
"3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.".
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp bạn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì bạn phải bồi thường học phí và tiền lương, phụ cấp và tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian đi học.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất