Bác sĩ thiếu trách nhiệm khi khám chữa bệnh xử lý như thế nào?
Nội dung tư vấn: Thưa luật sư, cháu có cha bị bệnh u gan. Trước khi phát hiện bị u thì ba cháu có khám ở bệnh viện A suốt 6 tháng và bị chuẩn đoán là bị xơ gan. Ở đây mỗi tháng bác sĩ chỉ cho tái khám 1 lần, và không hề xem xét kĩ, đối với bệnh này thì rất dễ bị chuyển qua ung thư. Nhưng các bác sĩ ở đây không hề nhắc nhở cũng như kiểm tra thấy kết quả không tốt cũng chỉ cho thuốc về. Sau hơn nửa năm điều trị chỉ thấy kết quả ngày càng xấu đi, gia đình cháu không yên tâm nên đề nghị cho nhập viện kiểm tra, bác sĩ ở đó không đồng ý, cuối cũng gia đình cháu phải chuyển sang bệnh viện khác để kiểm tra thì ba cháu đã bị ung thư giai đoạn 3, và nhiều biến chứng khác có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vậy cho cháu hỏi trong trường hợp này cháu có thể kiện bác sĩ ở đó không? Vì nếu phát hiện bệnh sớm hơn thì có thể ba cháu cũng không bị bệnh nặng tới mức này. Cháu cám ơn luật sư.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Bác sĩ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong việc chẩn đoán, chữa trị bệnh của mình. Khi có khiếu nại của bệnh nhân hoặc người nhà về sai sót của bác sĩ thì việc xác định bác sĩ có vi phạm trong chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp hay không thì sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì: "4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức."
Nếu gây chết người, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tuy nhiên, khám chữa bệnh và việc chẩn đoán của bác sĩ đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực khoa học, do vậy cần dựa vào năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc của bệnh viện có giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hay không. Do đó, bác sĩ phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các quy tắc nghề nghiệp gây hậu quả chết người hoặc gây ra tai biến cho người bệnh. Vậy nên, đối với trường hợp của bạn, sẽ rất khó để xác định trách nhiệm của bác sĩ bởi nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố tác động đến.
Trân trọng !
CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất