Không trả lương làm thêm giờ cho người lao động bị xử lý thế nào ?
Câu hỏi:
Tôi đang có một số vấn đề thắc mắc về việc trả lương theo hợp đồng lao động. Cụ thể như sau: Tôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với một công ty. HĐ gồm hai loại một loại HĐ lao động và một bản phục lục HĐ lao động. Bên HĐ lao động phần 2 là làm 48h/tuần 8h/ngày.
Bên phụ lục có thêm nội dung như thế này, có tính thêm 4h/ngày nữa là 12h/ngày kể cả ngày nghỉ trong tuần và ngày lễ tết trong năm.
Vậy hàng tháng công ty trả lương cho tôi có 8h/ngày và những ngày lễ tết công ty trả cho tôi thêm 100 ngàn mỗi một ngày lễ tết, còn chủ nhật không trả thêm đồng nào, như vậy công ty có vi phạm luật lao động không thưa Luật sư.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Thời gian làm việc quá thời gian nêu trên thì được xác định là thời gian làm thêm giờ.
Khi công ty sử dụng người lao động làm thêm giờ thì có trách nhiệm trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Vào ban đêm thì được trả lương theo như trường hợp nêu trên và được cộng thêm 50% tiền lương.
Đối chiếu theo trường hợp của bạn, công ty ký thêm phụ lục hợp đồng lao động thỏa thuận về việc tăng thêm thời gian làm việc từ 08h/ngày lên 12h/ngày nhưng vẫn trả lương theo 08h/ ngày là không phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc công ty không trả lương làm thêm giờ vào ngày chủ nhật cũng là hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Đối với hành vi trả không đủ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động thì công ty có thể bị xử phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm.
Bên cạnh đó, khi bị xử phạt công ty sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc trả tiền lương còn thiếu và tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn gửi đến UBND cấp xã nơi công ty đặt trụ sở chính để trình bày về hành vi vi phạm của công ty và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
Hoặc, bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính để được giải quyết.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất