Nguyễn Thị Thùy Dương

Phạm tội ở nước ngoài khi về nước có bị xử lý không?

Hiện nay, tỷ lệ công dân Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội ở nước ngoài có xu hướng tăng cao. Việc thực hiện hành vi phạm tội ở nước ngoài khi trở về Việt Nam người thực hiện hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới đây là nội dung chi tiết về vấn đề này quý khách có thể tham khảo.

Tại Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định “Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này […]”

Theo đó, nếu hành vi mà cá nhân, pháp nhân Việt Nam thực hiện ở nước ngoài có dấu hiệu phạm tội thuộc các tội đã được quy định tại Bộ luật Hình sự của Việt Nam thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến thời hiệu để xác định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27, 28 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) theo đó thì thời hiệu là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS; tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của BLHS; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của BLHS thì không áp dụng thời hiệu.

Ngoài ra, khi phát hiện hành vi phạm tội, nếu người phạm tội vẫn ở tại nước ngoài, cố tình trốn tránh thì cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể sẽ hợp tác với cơ quan nước sở tại để truy bắt và dẫn độ người phạm tội về Việt Nam để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử hành vi phạm tội theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ngược lại, nếu hành vi mà cá nhân, pháp nhân Việt Nam thực hiện ở nước ngoài không vi phạm quy định pháp luật Việt Nam hoặc không được xác định là tội phạm tại Việt Nam thì không bị xử lý. Nhưng, nếu hành vi đó bị coi là tội phạm theo pháp luật nước sở tại thì cá nhân, pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật của

quốc gia đó và các hiệp ước quốc tế có liên quan, kể cả khi cá nhân đã quay lại Việt Nam.

Trong trường hợp người phạm tội đã bị kết án về hành vi phạm tội tại nước ngoài, đã chấp hành xong bản án sau đó về Việt Nam thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa hay không thì tại Điều 14 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:

“Điều 14. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm

Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.”

Theo đó thì một hành vi phạm tội đã bị xử lý bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ không khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử lại. Do vậy, người có hành vi phạm tội theo pháp luật Việt Nam nhưng họ đã bị kết án và thi hành án tại nước ngoài thì khi về Việt Nam sẽ không bị truy cứu, xét xử lại tại Việt Nam theo nguyên tắc đã nêu trên.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn