Vũ Thanh Thủy

Yêu cầu tòa án chia tài sản chung của vợ chồng bằng hiện vật có được không?

Xin hỏi luật sư. Hai vợ chồng tôi đã li hôn năm 2014 nay nhưng vợ tôi không yêu cầu chia tài sản, nay 2018 vợ tôi về gửi đơn yêu cầu chia tài sản. Tài sản gồm 1 căn nhà và 274 cây cao su. Căn nhà và cao su nằm trên đất là tài sản riêng của tôi. Tòa án đã quyết định tôi nhận căn nhà và cao su, tôi phải hoàn tiền cho vợ tôi.

Tôi không đồng ý với quyết định của tòa là chia bằng giá trị, tôi muốn chia bằng hiện vật. Trường hợp tôi không có tiền đưa cho vợ tôi theo quyết định của tòa án thì tòa án sẽ xử lý như thế nào. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc phân chia tài sản sau khi ly hôn:

Căn cứ theo khoản 3 Điều 59 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy đình về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng sau khi ly hôn:

“…

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.”

Theo nguyên tắc của luật, việc phân chia tài sản do hai vợ chồng thỏa thuận, trường hợp không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, theo đó, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia bằng hiện vật, trường hợp không chia bằng hiện vật được thì sẽ chia theo giá trị.

Trường hợp bạn muốn chia bằng hiện vật thì cần phải lưu ý, việc phân chia theo hình thức này ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của bạn, vì đây được xác định là tài sản riêng của bạn. Do vậy, khi phân chia khối tài sản chung của vợ chồng bạn, Tòa án sẽ căn cứ vào nguyên tắc của luật và tính hợp lý trên thực tiễn để giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

Thứ hai, cách giải quyết khi bạn không có khả năng thanh toán cho vợ theo quyết định của Tòa:

Kể từ ngày có bản án mà bạn không tự nguyện thanh toán phần giá trị tài sản cho vợ thì  hàng  tháng  phải  chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian và số tiền chậm thanh toán.

Bên cạnh đó, khi không tự nguyện thi hành thì bạn có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của luật khi có yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2014 quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án, cụ thể:

“1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Do đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà bạn không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh. Sau khi xác minh nếu bạn đủ điều kiện để thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng một trong những biện pháp trên yêu cầu bạn thực hiện.

Ngược lại, bạn chưa có điều kiện thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, khi bạn đủ điều thi hành thì cơ quan thi hành án tiếp tục tổ chức thi hành.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo