Luật sư Phùng Gái

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây thương tích cho người khác?

Câu hỏi tư vấn: Cách đây 1 tuần vợ tôi đang cho con gái thứ 2 đi khám tại 1 phòng khám thì có 1 người nữ tạm gọi là A đi xe máy rất nhanh trong ngõ nhỏ suýt đâm vào con gái tôi, sau đó A dừng xe chửi vợ tôi và lao về phía vợ tôi rồi lấy giầy cao gót đánh vợ tôi, vợ tôi và A giằng co 1 lúc thì được người dân can ngăn.

 

A lấy điện thoại gọi cho chồng của A (tạm gọi là B) đến khi đến nơi B không hỏi xem sự việc thế nào đã lao vào đánh vợ tôi, A và B cùng đánh vợ tôi bằng giầy cao gót của A khiến vợ tôi bị rách 1 vết thương dài 3cm sâu đến tận xương ở ngay vùng trán chảy nhiều máu, tụ máu sau gáy và vài vết xây xát bầm tím tại nhiều nơi trên người. Sau khi chúng đánh vợ tôi thì được nhiều người dân can ngăn vợ tôi đã lên phường sở tại trình báo vụ việc, ngừoi nhà tôi gọi điện thông báo là vợ tôi bị đánh vỡ đầu tôi đang trên đường đi làm về liền đi luôn ra công an phường xem tình hình của vợ ra sao.

 

Trong khi công an lấy lời khai của vợ tôi thì A và B gọi rất nhiều đối tượng là dân anh chị đến họ gọi tôi ra ngoài khi đó rất nhiều người ở bên họ vây kín xung quanh tôi họ đề nghị hoà giải sự việc này và không đền bù cho gia đình tôi với lý do đây là chuyện của đàn bà, tôi nói không đồng ý thì 1 đối tượng được biết là anh ruột của A đã đá vào mặt tôi, rất may là bản thân tôi là 1 võ sư được học được dạy dỗ về đạo lý và tôi cũng lường trước được việc này vì khi bọn họ kéo đến phường ai đấy cũng thể hiện sự hung hãn manh động nên tôi đã có sự phòng ngự liền gạt tay đỡ được cú đá đó nên chỉ bị xước nhẹ ở cằm. Sau đó công an phường nhìn thấy bọn họ đánh tôi nên đã chạy ra can thiệp, sau đó tôi đưa vợ đi khám xét xử lý vết thương trên đầu khi sắp từ viện về đã có 2 đồng chí công an phường đến lập biên bản ngăn chặn hai Bên tiếp tục mâu thuẫn.

 

Đến tối hôm sau có khoảng 30 người bên họ đều là dân anh chị kéo đến nhà tìm vợ chồng tôi khi đó tôi đang đi làm không ở nhà,họ đến ép ra đình tôi hoà giải vụ việc trên và ko hỗ thông rợ kinh tế cho gia đình tôi, 1 người trong số họ ngồi trong nhà tôi đã đe dọa cho người đánh vợ tôi vỡ mặt tiếp gia đình tôi có ghi âm lại được để làm chứng cứ. Sau 10 hôm kể từ ngày xảy ra việc công an phường mới gọi vợ tôi lên để hoà giải, tại đây đồng chưa công an phường không biết có được học luật hay anh ta có hiểu tính chất vụ việc hay không mà lại nói đây là sự việc rất nhỏ của hai người đàn bà nên tốt nhất 2 bên nên nói chuyện hoà giải, không có sự đền bù thỏa đáng nào trong khi rõ ràng là 2 đối tượng A B cùng lao vào đánh vợ tôi bằng cả chiếc giầy cao gót với gót giày nhọn hoắt đó mà anh ta lại nói là xô xát của hai người phụ nữ, tôi không đồng ý hoà giải kiểu đó rõ ràng là gia đình bên kia ép gia đình tôi.

 

Vậy quý công ty cho tôi hỏi hành vi của bên đánh vợ tôi là đúng hay sai và gia đình tôi phải làm gì trong lúc này, họ vẫn thỉnh thoảng kéo rất đông người đi ngang qua nhà tôi để gây áp lực. Xin chân thành cám ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với hành vi của hai đối tượng A B đánh vợ bạn (dùng giầy cao gót). Đồng thời, còn gọi rất nhiều đối tượng khác tới với mục đích để đánh và đe dọa vợ, chồng bạn phải dừng việc trình báo tới cơ quan công an là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, để xác định hành vi trên của các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính thì còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi. Theo đó, trong trường hợp việc các đối tượng trên đánh vợ bạn dẫn tới tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Cụ thể:

 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

 

B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

 

D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

E) Có tổ chức;

 

G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

 

H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

 

I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

 

Đối với việc trong quá trình cơ quan công an lấy lời khai của vợ bạn thì hai đối tượng A  và B đã gọi bạn ra và lôi kéo, gọi thêm nhiều đối tượng khác tụ tập lại nhằm gây khó khăn cho bạn dẫn tới gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu thêm về tội gây rối trật tự công cộng.

 

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

 

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

A) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

 

B) Có tổ chức;

 

C) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

 

D) Xúi giục người khác gây rối;

 

Đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

 

E) Tái phạm nguy hiểm.

 

Trường hợp, với hành vi của đối tượng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự...

 

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

...

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

 

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

 

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

 

d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

 

đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

 

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

 

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi thì mình thì gia đình có thể làm đơn tố cáo về hành vi vi phạm của các đối tượng cho cơ quan công an xã, phường nơi cư trú để giải quyết. Trong trường hợp hướng xử lý, giải quyết của công an xã, phường không thỏa đáng thì có thể làm đơn khiếu nại gửi cơ quan công an cấp huyện để xử lý.

 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây thương tích cho người khác?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169