Luật sư Trần Khánh Thương

Xử phạt về hành vi mua bán hóa đơn trái phép

Thuế là một nguồn thu quan trọng đối với ngân sách của tất cả các quốc gia, được sử dụng để nhằm phục vụ các nhu cầu chi tiêu của quốc gia. Hiện này, nhiều trường hợp các công ty, doanh nghiệp có hành vi lập khống hóa đơn GTGT để nhằm vào những mục đích khác nhau, có thể gây tổn hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, cho các cá nhân, tổ chức khác. Vậy hành vi xuất khống hóa đơn GTGT bị xử phạt như thế nào?

 

1. Tư vấn quy định pháp luật về xử phạt hành vi xuất khống hóa đơn GTGT

Hiện nay, xuất hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp cần có vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không có tài sản bảo đảm nên đã có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT khống để vay vốn ngân hàng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà các doanh nghiệp có hành vi mua bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

2. Trả lời câu hỏi tư vấn về xử phạt hành vi xuất khống hóa đơn GTGT

Câu hỏi tư vấn: Trường hợp có 2 công ty A và B, 2 công ty hoàn toàn không có mua bán hàng hóa gì, không phát sinh doanh thu, chi phí thực tế. A xuất hóa đơn GTGT khống cho B, số lượng 20 hóa đơn. Trong đó có 14 hóa đơn có giá trị liên 1 nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị liên 2, số còn lại giá trị như nhau nhưng vẫn là hóa đơn khống. B sử dụng tất cả 20 hóa đơn khống của A xuất khống để mang đi vay vốn ở ngân hàng và đã được cho vay. Tổng giá trị liên 2 của các hóa đơn rất lớn gần 20 tỉ, giá trị nộp thuế nếu so ra phải hơn 100 triệu đồng. A vẫn đi khai thuế bình thường bằng giá trị liên 1 của 20 hóa đơn nói trên, trong đó 6 hóa đơn giá trị như nhau thì lại kê phần chi phí và giảm trừ số thuế phải nộp trở về gần 0. Vậy hành vi của công ty A và B bị xử lý về những hành vi gì? Mức phạt như nào? Mong Luật Minh Gia tư vấn giúp. Trân trọng!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia xin đưa ra quan điểm như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 23 Thông tư 39/2014/NĐ-CP về sử dụng bất hợp pháp hóa đơn như sau:

“Điều 23. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn

1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:

- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.

- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Theo quy định trên, một trong những hành sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là lập khống hóa đơn. Hóa đơn lập khống là hóa đơn đực lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ. Theo thông tin bạn cung cấp, công ty A và công ty B mặc dù không có việc mua bán hàng hóa, phát sinh doanh thu, chi phí thực tế nhưng công ty A lại xuất 20 hóa đơn GTGT cho công ty B. Theo đó, Công ty A đã có hành vi lập hóa đơn khống. Tùy thuộc vào mục đích, mức độ vi phạm mà 2 công ty có thể chịu xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính hành vi xuất hóa đơn GTGT khống

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi trốn thuế như sau:

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

…d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;”

Theo quy định trên, trường hợp sử dụng không hợp pháp hóa đơn để nhằm mục đích trốn thuế nhưng chưa đủ yếu tổ cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, công ty A có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn như sau:

“Điều 28. Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.”

Theo quy định trên, trường hợp sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhưng không nhằm mục đích trốn thuế thì có thể bị xử phạt về hành vi sử không hợp pháp hóa đơn. Theo đó, công ty A có thể bị xử phạt về hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.0000 đồng.

Thứ hai, xử lý hình sự hành vi xuất hóa đơn GTGT khống

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về Tội mua bán trái hóa đơn như sau:

“Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Theo quy định trên, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứ TNHS. Theo đó, trường hợp công ty A và công ty B có tồn tại việc mua bán trái phép hóa đơn và thu lợi bất chính từ 30.000.0000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại. Theo quy định tại BLHS năm 2015, các biện pháp xử phạt hình sự đối với pháp nhân thương mại bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định và Cấm huy động vốn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169