Xử phạt đối với hành chung sống như vợ chồng với người đang có vợ
Trong thời gian bỏ đi sống chung với người đàn bà đó chồng tôi bỏ mặc 2 con thơ cho tôi chăm sóc không chu cấp. Đầu tháng 3/2016 tôi vào lại sài gòn để đi làm kiếm tiền nuôi con thì bị tai nạn phải nhập viện, hiện sức khoẻ vẫn chưa ổn định nhưng chồng tôi bỏ mặc mẹ con tôi và đến ép tôi phải li hôn và ký vào đơn theo điều kiện của chồng tôi đưa ra là để chồng tôi nuôi 2 con, tôi không đồng ý với điều kiện trên nên tôi bị chồng uy hiếm và khủng bố tinh thần. Đến nay con tôi đã được 10 tháng tuổi.
Vậy tôi muốn hỏi luật sư về trường hợp của tôi thì tôi có quyền được tố cáo chồng tôi và người đàn bà kia không? Theo như luật hôn nhân thì mức độ vi phạm của chồng tôi và người đàn bà kia vi phạm ở mức độ nào? Xử lí hình phạt ra sao? Cơ quan nào có thẩm quyền sử lí? Nếu ly dị để được nuôi 2 con thì tôi cần đủ điều kiện gì?
Mong luật su tư vấn giúp tôi. Tôi xin trân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi bị cấm. Do đó, chồng bạn chung sống với người phụ nữ khác khi hai vợ chồng bạn chưa ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật.
Chị có thể đến công an xã phường, thị trấn tố cáo về hành vi chung sống như vợ chồng của chồng bạn với người phụ nữ kia.Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của chồng bạn và cô gái kia mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau.
Căn theo Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính về Tư pháp, hôn nhân gia đình quy định về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn như sau
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
....
Và căn cứ theo bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Chồng bạn và người phụ nữ kia có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc sống chung như vợ chồng gây ra hậu quả nghiệm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Nếu ly dị để giành quyền nuôi con thì tôi cần những điều kiện gì.
Căn cứ theo Điều 81 luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trong trường hợp này, bạn và chồng bạn có hai đứa con một đứa 10 tháng tuổi và một đứa hơn 4 tuổi (cháu sinh năm 2012).
-
Đứa con 10 tháng tuổi sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thảo thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
-
Đứa con hơn 4 tuổi, hai vợ chồng bạn sẽ thỏa thuận về việc nuôi dưỡng phù hợp với lợi ích của con. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định việc giao cho con cho ai trực tiếp nuôi căn cứ vào khả năng kinh tế, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ.
Hai vợ chồng bạn có thể thảo thuận về việc ai là người trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định căn cứ vào điều kiện kinh tế, thu nhập ổn định cũng như các điều kiện vật chất, tinh thần để nuôi dưỡng, chăm sóc cho hai cháu - xác định dựa trên lợi ích của đứa trẻ.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Xử phạt đối với hành chung sống như vợ chồng với người đang có vợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất