Xử lý vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và chia tài sản khi ly hôn
Trong suốt thời gian tôi làm dâu nhà anh tôi đã chịu đựng và nín nhịn nhiều. Suốt 6 năm trời tôi không dám nói với chồng về chuyện anh rể thường xuyên sang nhà tôi chơi với mục đích rình nhìn trộm mấy chị em dâu tôi tắm. Chỉ vì sợ gây rạn nứt tình cảm anh chị em trong gia đình. Không những chỉ mình anh rể anh sang nhìn trộm tôi tắm mà còn có con của anh rể cũng sang nhìn trộm tôi tắm. Rồi một hôm tôi đang tắm, đứa cháu gọi chồng tôi bằng cậu đang lằm bò trên nền nhà nhìn tôi tắm qua khe cửa. Thì bất ngờ chồng bắt quả tang. Nhưng chồng tôi đã không nói gì. Tôi không biết anh đã nói với chị gái anh những gì mà khiến chị gái anh ngày nào cũng sang nhà chửi tôi. Không những chỉ chửi riêng mình tôi mà còn lôi cả bố mẹ tôi ra để chửi. Điển hình như hôm mồng một tết năm 2013 chị cũng không để cho tôi yên, chị sang nhà chửi tôi thậm tệ. Lúc đó chồng tôi đang đi chúc tết bên nhau hàng xóm ngay cạnh nhà. Tôi có gọi điện cho chồng tôi về để giải quyết nhưng anh không về mà mặc kệ tôi cho chị gái anh chửi. Còn chồng tôi suốt mấy năm qua anh không hề quan tâm gì đến 3mẹ con tôi. Tôi một lách đưa 2đứa con đi viện anh không hề gọi điện hay hỏi han xem ba mẹ con ra sao. Còn tôi ốm liệt giường phải nhờ người đưa đi truyền nước suốt 7 ngày trời chồng tôi không hề hỏi han hay quan tâm gì hết mà chỉ lên nhà bảo tôi vẻn vẹn một :"sắp chết chưa"mọi chuyện tôi đều nín nhịn và cho qua hết. Nhưng nhiều lần anh nói tôi trước mặt các bạn anh là:" tôi lấy cô không hợp tuổi làm ăn, tôi phải lấy người sinh năm 1989 mới hợp tuổi làm ăn". Lúc đó tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Hơn nữa chị gái chồng tôi ngày này cũng sang chửi tôi không một lý do dù rằng tôi không làm sai chuyện gì. Tôi đối xử với nhà chồng ai cũng quý. Chỉ riêng chị gái chồng tôi sang chửi không kể ngày giờ lúc nào thích thì chị chửi không cần lý do. Tôi nhiều lần tâm sự với chồng tôi là em làm sai chuyện gì mà ngay nào chị gái anh ngày nào cũng sang chửi em. Nhà mình buôn bán mà ngày nào chị gái anh cũng sang đây chửi thì khách nào dám vào mua đồ. Chồng tôi chỉ nói thôi cứ nhịn đi. Một điều nhịn là chín điều lành hoặc không nói gì. Sau nhiều năm tôi chịu đựng cuộc sống như vậy chị chồng chửi còn chồng thì không quan tâm. Cho đến cuối tháng bảy năm 2013 tôi không chịu nổi nữa tôi đã dắt con bỏ nhà ra đi. Sau ba tháng chồng tôi ở nhà lấy vợ mới mà chưa ly hôn.
Cho đến tháng 9năm 2014 tôi về nhà mẹ đẻ và có sang nhà chồng tôi. Tôi thấy vợ của chồng tôi vừa đẻ một đứa con trai đang ở nhà mà vợ chồng tôi xây lên. Tôi chỉ nói nhẹ với chồng tôi là hãy đuổi cô ta r khỏi nhà mà tôi bỏ công sức gây dựng lên và tôi lại về nhà mẹ đẻ tôi cho đến nay tôi về thì chồng tôi không cho vào nhà mà còn sua đuổi tôi không cho vào nhà trong khi đó người đàn bà kia ở trong nhà của tôi. Còn chồng tôi sỉ nhục lăng mạ tôi một cách thậm trong. Vậy tôi xin hỏi luật sư trong trường hợp của tôi, tôi có quyền về nhà không? Và chồng tôi có vi phạm luật gì không? Mong luật sư hãy trả lời giúp tôi để tôi đòi lại quyền lợi của mẹ con tôi. Tôi xin chân thành cảm on!
Chia tài sản khi ly hôn
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Về vấn đề vi phạm pháp luật của chồng bạn
Theo Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
“Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Chồng bạn chưa ly hôn với bạn nhưng đã chúng sống và có con với người phụ nữ khác thì chồng bạn đã vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình cụ thể tại Điểm c Khoản 2 Điều 5.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
“Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.”
Với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của chồng bạn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nếu hành vi của chồng bạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Về quyền của bạn đối với tài sản
Đối với mảnh đất 70 m2 vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Nếu mẹ chồng bạn cho vợ chồng bạn trong quá trình hôn nhân thì mảnh đất đó là tài sản chung của 2 vợ chồng bạn, nếu mảnh đất đó mẹ chồng bạn cho riêng chồng bạn có giấy tờ tặng cho thì mảnh đất đó thuộc sở hữu của chồng bạn và bạn không có quyền gì đối với mảnh đất đó, trong trường hợp nếu mảnh đất đó không có căn cứ chứng minh là tài sản được tặng cho riêng của chồng bạn thì mảnh đất đó cũng được tính là tài sản chung của vợ chồng.
Theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Đối với căn nhà 4 tầng và cửa hàng kinh doanh đồ điện tử và mảnh đất 200 m2 là tài sản do vợ chồng bạn tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nên đó là tài sản chung của vợ chồng.
Nếu vợ chồng bạn ly hôn thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận của 2 bên, nếu 2 bên không thỏa thuận được thì sẽ chia theo pháp luật, cụ thể theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì công sức đóng góp của vợ chồng bạn là bằng nhau, vì vậy đối với tài sản chung của vợ chồng bạn sau khi ly hôn sẽ được chia đôi, 2 người có quyền bằng nhau đối với tài sản đó.
Về căn nhà 4 tầng sau khi ly hôn nếu không thỏa thuận được chia bằng hiện vật thì nếu bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán bằng tiền cho bên kia phần chênh lệch.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và chia tài sản khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất