Xử lý trường hợp đồng phạm về tội cướp tài sản
Một hôm anh D từ quê lên chơi với các anh B và C , họ đang ngồi uống Cafe với nhau thì có anh A chạy lại rủ đi ăn. Ban đầu họ đi chung 1 xe 7 chỗ được anh A chở tới chỗ mua đồ ăn và sau đó thì anh A cho ghé vào lề đường xuống ngồi ghế đá ăn uống và nói chuyện với nhau. Lúc này anh A xin đi qua đây tí kêu mọi người đợi thì khoảng 10p sau thì anh A xảy ra mâu thuẫn với một anh khác tạm gọi là ( E ). Sau đó anh A nhờ sự trợ giúp từ các anh B, C và D đưa người E lên cơ quan công an giải quyết. sau khi lên cơ quan công an thì B C và D mới biết là anh E thiếu nợ anh A 1 số tiền lớn. Lúc đang trên đường quay về nơi gặp mặt anh B, C và D thì anh A hỏi chuyện anh E và sau đó phát hiện điện thoại di động của anh E reo, nên anh A đã giật lấy và yêu cầu anh E là anh sẽ tạm giữ cái điện thoại này để dằn chân cho số nợ mà anh E đã thiếu anh A và nếu như muốn lấy lại thì sáng mai đem tiền qua nhà A để lấy lại, Sau đó anh B, C và D đi về nhà, hôm sau thì được cơ quan điều tra mời lên làm việc và đề nghị khởi tố tội cướp tài sản đối với cả 4 người. Ở đây mình muốn làm rõ tội của bạn mình là D là gì? Và anh ấy sẽ chịu mức phạt ra sao? Vì sao anh ấy lại bị hệ lụy như vậy.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 168 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội cướp tài sản, cụ thể:
“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
…..”
Dấu hiệu của tội cướp tài sản bao gồm 3 dạng hành vi khách quan, đó là:
+ Dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc công cụ, phương tiện khác) để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác; hành động tấn công này có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công và làm cho họ mất khả năng chống cự lại hoặc công khai để cho người bị tấn công biết…
+ Đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực là đe dọa dùng ngay tức thì sức mạnh vật chất như nói trên nếu người bị tấn công không chịu khuất phục để buộc người bị tấn công phải sợ và tin rằng nếu không để cho họ lấy tài sản thì tính mạng, sức khỏe sẽ bị nguy hại. Đe dọa dùng ngay tức khắc thông thường được kết hợp giữ hành vi sử dụng vũ lực với những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo, để tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ à tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản.
+ Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi cho người bị tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra nhưng không có cách nào chống cự được (như bị trói, bị nhét giẻ vào mồm không kêu cứu được, bị nhốt vào buồng kín không thể chạy đi cầu cứu…), hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng , sức khỏe nhựng không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra.
Trong trường hợp này của A, nếu hành vi lấy chiếc điện thoại của E thỏa mãn các dấu hiệu như đã phân tích ở trên thì việc cơ quan công an khởi tố về tội cướp tài sản là có căn cứ.
Về việc xác định vai trò của B,C,D trong vụ án “cướp tài sản” của E:
Khi tội phạm được thực hiện từ hai người trở lên và hành động có sự liên hệ, tác động lẫn nhau thì trường hợp đó được gọi là đồng phạm. Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 về đồng phạm, cụ thể:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Theo thông tin bạn cung cấp , A, B, C và D cùng bị cơ quan công an khởi tố về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, trường hợp này cần phải làm rõ B,C, D có cùng ý chí thực hiện tội cướp tài sản với A hay không?
Nếu B,C,D đều có hành vi tham gia vào thực hiện tội này, theo đó hành vi của mỗi người được thực hiện không biệt lập nhau mà trong sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi trực tiếp của A và ngược lại, hành vi phạm tội của B,C,D đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là chiếm đoạt tài sản của E thì B, C và D được xác định là đồng phạm trong vụ án trên.
Ngược lại, trong trường hợp B,C và D không thỏa mãn các dấu hiệu về tội cướp tài sản theo phân tích ở trên, không biết mục đích của A và không tham gia giúp sức để cướp tài sản của E thì chưa đủ căn cứ để khởi tố về tội này.Do đó, anh D có quyền yêu cầu cơ quan công an làm rõ vấn đề trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
P.luật sư tư vấn về hình sự – Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất