Đem tài sản mượn của người khác đi cầm đồ bị xử lý thế nào?
Câu hỏi:
Chào luật sư cho e hỏi: Em là sinh viên đại học năm thứ 3. Cách đây 1 năm em ở nhà anh trai của 1 người bạn. Sau này anh ta mượn laptop và xe máy của em đi cầm. Đến nay thì không liên lạc được nữa. Gia đình em nói báo công an. Vậy cho em hỏi em phải trình báo công an như thế nào. Và việc này giải quyết ra sao? Và người mượn của em bị xử lý thế nào và có giải quyết được vấn đề không? Mong mọi người giúp đỡ cho.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Về vấn đề tố giác tội phạm
Để trình báo vụ việc này đến cơ quan có thẩm quyền, bạn có thể đến cơ quan Công an cấp xã, phường nơi bạn đang cư trú để gửi đơn trình báo hoặc có thể trình báo miệng để cơ quan công an ghi chép lại. Nếu như không thuộc thẩm quyền điều tra thì Cơ quan nhận tố giác sẽ gửi thông tin tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Xem xét trách nhiệm của người đem cầm đồ
Hành vi mượn đồ người khác nhưng lại đem cầm đồ, sau đó không lấy lại đồ về có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu người mượn đồ có ý định mượn tài sản của bạn đem cầm đồ sau đó không chuộc lại mặc dù có điều kiện chuộc thì có thể sẽ bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Nếu người mượn đồ đem cầm đồ nhưng sau đó cố tình không trả lại tài sản đã cầm cố, có ý định chiếm đoạt số tài sản này có thể bị truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Phụ thuộc vào hành vi cụ thể của người đó mà cơ quan điều tra sẽ xác định bước đầu tội danh truy cứu trách nhiệm hình sự với người này là gì. Trường hợp không đủ căn cứ cấu thành hành vi phạm tội, bạn có thể kiện người này ra Tòa án dân sự với yêu cầu kiện đòi tài sản, đồng thời yêu cầu bồi thường với những thiệt hại phát sinh.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất