Phạm Diệu

Xử lý trường hợp cố ý phá hoại tài sản!

Luật sư tư vấn về trường hợp bồi thường khi cố ý phá hoại tài sản của người khác. Nội dung hỏi và tư vấn như sau:


Nội dung đề nghi tư vấn:

Xin chào công ty luật Minh Gia !
Tôi có một vấn đề cần nhờ Quý công ty tư vấn giúp.
 
Cụ thể sự việc như sau:
 
Hiện nhà tôi đang sinh sống trong 1 ngõ là lối đi chung của 4 hộ gia đình và nhà tôi ở trong cùng của ngõ.
 
Trong đó còn 1 số phần đất trống của một số hộ gia đình khác chưa xây dựng.
 
Thời gian gần đây có 1 gia đình anh T bắt đầu xây dựng nhà trên phần diện tích của họ.
Trước khi xây dựng anh T có sang nhà tôi hỏi ý kiến về việc muốn xây nhô phần ban công của tầng 1-2-3 ra ngoài ngõ đi chung với mục đích như họ nói là để chậu hoa-cây cảnh.
 
Ngõ đi chung rộng khoảng 1.5m
Gia đình tôi chỉ đồng ý cho anh T xây nhô phần ban công của tầng 2 và 3 còn ko đồng ý tầng 1 nhô ra.
 
Bởi gia đình tôi là gia đình nằm sâu nhất trong ngõ nếu để họ xây nhô phần ban công tầng 1 ra sẽ rất mất mỹ quan và khiến lối đi chung trở lên chật hẹp.
 
Sau đó, anh T có tiến hành xây dựng. Khi xây ở dạng thô thì phần ban công tầng 2 và 3 nhô ra. Nhưng khi hoàn thiện công trình (chát vữa) thì anh T lại cho xây dựng thêm phần ban công tầng 1.
 
Gia đình tôi đã nhắc nhở rất nhiều lần, gọi điện cho anh T yêu cầu anh về giải quyết và nói chuyện nhưng anh chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Nói là cho thợ dừng lại và đặp phần ban công tầng 1 nhô ra kia nhưng thực tế thì ko hề làm.
 
Chiều hôm 30/06/15 do quá bức xúc vì gọi điện cho anh T nhiều lần mà ko nghe máy Chồng và Bố Chồng tôi có sang công trình nhà anh T gặp thợ cả phụ trách công trình yêu cầu dừng lại ko dc thi công tiếp phần ban công tầng 1 thì có mấy người thợ nói lời ra, lời vào. Trong lúc nóng giận Bố chồng tôi đã đập phần ban công tầng 1 nhô ra của gia đình anh T.
 
Sau khi đập xong gia đình tôi cũng gọi điện thông tin cho anh T yêu cầu anh về gặp trực tiếp để nói chuyện vì sao lại gian dối trong chuyện xây dựng. Lúc đầu 2 bên chỉ đồng ý cho nhô ra ban công tầng 2 và 3 sao bây giờ lại làm cả tầng 1 nhưng anh T cũng ko về nói chuyện.
Hôm nay anh T có nhắn tin cho gia đình tôi là sẽ kiện gia đình tôi về tội phá hoại tài sản đồng thời vẫn sẽ tiếp tục thi công phần ban công tấng 1.
 
Vậy nhờ Quý công ty tư vấn giúp trường hợp của gia đình tôi nêu trên theo luật sẽ bị xử lý thế nào ạ? và quy định thế nào mong được tư vấn, Xin cảm ơn luật sư
 
Trả lời tư vấn:
 
Căn cứ vào thông tin mà chị cung cấp, chúng tôi nhận thấy hành vi của bố chồng chị có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 BLHS 1999 (sửa đồi, bổ sung năm 2009).
 
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức;
B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Để che giấu tội phạm khác;
Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
E) Tái phạm nguy hiểm;
G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Do chị không nói rõ mức độ thiệt hại nên chúng tôi đưa ra những tiêu chí về mức độ thiệt hại của hành vi để chị xác định trường hợp của mình có cấu thành tội phạm hình sự hay không. Để cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì người phạm tội phải có một trong các hành vi:
 
-  Gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên.

-  Gây thiệt hại dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

-  Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
 
Bố chồng chị thực hiện việc huỷ hoại tài sản của người khác một cách cố ý nên nếu hành vi đó gây ra một trong các hậu quả nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
 
Về vấn đề anh T xây ban công nhô ra lối đi chung. Theo quy định của luật xây dựng thì trước khi tiến hành xây dựng công trình nhà ở, chủ công trình phải xin giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng có thể hiện nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích các tầng,…
 
Nếu việc xây dựng thưc tế trái với nội dung của giấy phép xây dựng thì vi phạm khoản 4-Điều 12 Luật xây dựng 2014. quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:
 
“4. Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp".
 
Theo quy định Điều 13-Nghị định 121/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng thì

…”5. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
....
9. Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

10. Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này mà không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại Khoản 9 Điều này thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP".

 
Tuy nhiên, vấn đề anh T có vi phạm quy định về xây dựng hay không và mức xử phạt hành chính cụ thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và kết luận. Bố chồng chị không có quyền đơn phương phá dỡ công trình của anh T. Do vậy, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì khi có yêu cầu của người bị thiệt hại, bố chồng chị còn phải đền bù cho bên bị thiệt hại một khoản tiền tương ứng theo quy định của Bộ luật dân sự.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý trường hợp cố ý phá hoại tài sản!. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


P.Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo